Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/9/2023: Giá quặng sắt đứt chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, đậu tương giảm mạnh

(Banker.vn) Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/9/2023, giá quặng sắt đứt chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, thép nội địa điều chỉnh giảm 19 lần, đậu tương giảm mạnh.
Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 6/9: Nhóm đậu tương “chìm trong sắc đỏ”,dầu Brent chính thức cán mốc 90 USD/thùng Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 7/9/2023: Giá kim loại suy yếu, giá dầu WTI tăng

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ áp đảo trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index đóng cửa hôm qua ngày 7/9, tiếp tục suy yếu 0,51% xuống 2.282 điểm. Giá trị giao dịch toàn sở đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Nhóm nông sản bất ngờ đảo chiều giảm, là nhóm mặt hàng dẫn dắt xu hướng chung của thị trường trong ngày hôm qua với 7 trên 8 mặt hàng đồng loạt chịu sức ép bán mạnh. Bên cạnh đó, đà giảm của các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng đóng góp quan trọng vào mức suy yếu chung của chỉ số hàng hoá.

Đậu tương rơi về vùng giá thấp nhất trong hai tuần

Kết thúc ngày giao dịch 7/9, ngoại trừ mức tăng nhẹ 0,1% của giá ngô, 6 mặt hàng nông sản còn lại niêm yết trên Sở Chicago đồng loạt ghi nhận các mức giảm giá mạnh.

Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 đóng cửa với mức giá thấp nhất trong hai tuần qua sau khi giảm hơn 1%. Trong bối cảnh triển vọng nguồn cung từ báo cáo Cung – cầu Brazil của Cơ quan Cung ứng mùa vụ (CONAB) khá tích cực, giá đậu tương Chicago còn chịu áp lực giảm mạnh từ nhu cầu tiêu thụ trong phiên hôm qua.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/9/2023: Dầu WTI kết thúc phiên trong sắc đỏ, đậu tương giảm mạnh
Bảng giá nông sản

Cụ thể, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc mới đây, nước này đã nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 8, giảm 3,8% so với tháng trước nhưng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trên được Tổng cục Hải quan lý giải do lượng hàng bị trì hoãn, phần lớn từ Brazil, đã được thông quan. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil đã tăng do người mua tận dụng mức giá rẻ sau vụ mùa kỷ lục ở quốc gia Nam Mỹ này.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định nhập khẩu đậu tương Mỹ có thể sẽ giảm trong những tháng tới. Nguyên nhân chủ yếu do giá cao làm giảm nhu cầu mua hàng của các nhà máy ép dầu Trung Quốc. Có thể thấy, nhu cầu đậu tương Brazil đã tạo áp lực tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu đậu tương Mỹ, theo đó tạo áp lực lên giá đậu tương CBOT.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/9/2023: Dầu WTI kết thúc phiên trong sắc đỏ, đậu tương giảm mạnh
Đậu tương rơi về vùng giá thấp nhất trong hai tuần

Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin cơ bản, giá khô đậu hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tiếp tục theo sát diễn biến của đậu tương khi kết phiên với mức giảm gần 1%. Với dầu đậu, đà giảm của mặt hàng này tiếp tiếp tục được mở rộng trong phiên hôm qua. Dầu đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của cả nhóm với mức giảm lên tới hơn 2%. Giá dầu cọ đã ghi nhận phiên suy yếu thứ 4 liên tiếp. Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) dự kiến sẽ công bố dữ liệu về ngành công nghiệp dầu cọ của nước này trong tháng 8 vào ngày 11/9 tới. Trước thềm công bố báo cáo, các nhà phân tích dự đoán tồn kho dầu cọ cuối tháng 8 của Malaysia sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng do sản lượng tăng trong khi xuất khẩu suy yếu.

Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ về Việt Nam được điều chỉnh giảm. Theo đó, tại cảng Cái Lân, giá chào bán dao động trong khoảng 13.500 – 13.600 đồng/kg đối với các tháng giao hàng kỳ hạn quý IV năm nay. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán thấp hơn, ở khoảng 13.350 – 13.450 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào ngô Nam Mỹ lại được điều chỉnh tăng nhẹ, lên khoảng 6.550 – 6.750 đồng/kg.

Giá quặng sắt đứt chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, thép nội địa điều chỉnh giảm 19 lần

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, khép lại ngày giao dịch 7/9, lực bán áp đảo trên thị trường kim loại. Với nhóm kim loại quý, vàng là mặt hàng tăng giá duy nhất trong nhóm khi phục hồi 0,15% lên xấp xỉ 1.919,2 USD/ounce, trong khi giá bạc và giá bạch kim vẫn giảm. Cụ thể, giá bạc hạ 1,12% xuống 23,24 USD/ounce và giá bạch kim đóng cửa tại mức 909,6 USD/ounce sau khi giảm 0,62%.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/9/2023: Dầu WTI kết thúc phiên trong sắc đỏ, đậu tương giảm mạnh
Bảng giá kim loại

Vai trò trú ẩn của kim loại quý bị thất thế trước đà tăng của đồng USD sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm tích cực.

Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm tuần thứ tư liên tiếp với con số 216.000 trong tuần kết thúc ngày 2/9, thấp hơn 18.000 so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2023, Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 7/9.

Thị trường lao động Mỹ vẫn đang tích cực, cùng số liệu công bố vào 6/9 cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ. Những điều này càng làm tăng thêm lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mạnh tay. Theo CME FedWatch, xác suất 92% Fed tạm dừng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11 đã tăng lên 47,7%, tăng từ mức 43,7% trong ngày trước đó.

Do đó, lo lắng lãi suất cao tiếp tục đẩy đồng USD tăng mạnh với chỉ số Dollar Index tăng vượt mốc 105 điểm. Điều này khiến giá bạc và bạch kim chịu sức ép cho chi phí đầu tư đắt đỏ hơn.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đi xuống ba phiên liên tiếp khi giảm 0,63% xuống 3,76 USD/pound, mức thấp nhất trong vòng hơn hai tuần. Giá quặng sắt đứt chuỗi tăng nhiều phiên liên tiếp với mức giảm 1,5%, chốt phiên tại mức 117,07 USD/tấn.

Giá đồng phải chịu sức ép trước áp lực vĩ mô, khi đồng USD liên tục duy trì ở mức cao nhất trong vòng 6 tháng.

Bên cạnh đó, tiêu thụ yếu trong khi nguồn cung ổn định cũng là yếu tố khiến giá đồng giảm. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 473.330 tấn đồng chưa gia công và bán thành phẩm trong tháng 8, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trái lại, sản lượng đồng từ Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, đạt 229.728 tấn trong tháng 7, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường quặng sắt, giá quặng sắt gặp áp lực ngay từ mở cửa phiên, sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết cơ quan này sẽ tăng cường giám sát trên cả thị trường kỳ hạn và giao ngay.

Theo tuyên bố của NDRC, giá quặng sắt sẽ phải đối mặt với áp lực giảm sau đợt tăng nhanh kể từ giữa tháng 8. Trước đó vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, NDRC cũng đã đưa ra một số cảnh báo tương tự.

Trên thị trường nội địa, ngày 6/9, một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000-310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, trong khi thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá bán. Như vậy, giá thép tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 19 liên tiếp kể từ đầu năm tới nay.

Đối với sản phẩm thép cuộn CB240 tại miền Bắc và miền Trung, giá giảm xuống còn 13,43 triệu đồng/tấn, trong khi ở miền Nam có giá bán 13,53 triệu đồng/tấn.

Thị trường bất động sản trầm lắng, và vẫn đang trong mùa tiêu thụ thấp điểm, vẫn là lực cản chính đối với tiêu thụ thép trong nước.

Tuy vậy, hiện tại, giá thép thế giới đang có xu hướng tăng trở lại khi tiêu thụ được kỳ vọng sẽ phục hồi trong tháng 9 và tháng 10. Đây được coi là những tháng vàng trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới và nhập khẩu hơn 70% sản lượng quặng sắt toàn cầu.

Nếu tình hình giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục phục hồi, giá thép trong nước nhiều khả năng cũng biến động theo giá thế giới, nhưng sẽ có độ trễ nhất định do áp lực tồn kho và nhu cầu nội địa còn yếu. MXV kỳ vọng, trong những tháng xây dựng cao điểm hơn cuối năm, các công trình gấp rút đẩy nhanh tiến độ, tiêu thụ có thể khởi sắc hơn. Đồng thời, các dự án đầu tư công cũng sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường sắt thép dần vượt qua thách thức.

Giá một số hàng hóa khác

Bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/9/2023: Dầu WTI kết thúc phiên trong sắc đỏ, đậu tương giảm mạnh

Bảng giá năng lượng

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 8/9/2023: Dầu WTI kết thúc phiên trong sắc đỏ, đậu tương giảm mạnh

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Theo: Báo Công Thương