Ngành sản xuất là lĩnh vực bị mã độc tấn công nhiều nhất tại Việt Nam

(Banker.vn) Trong thời gian gần đây, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đứng trước các thách thức về an ninh mạng chủ yếu đến từ những mối đe dọa tấn công bằng mã độc.
Phát triển cung cấp dịch vụ an ninh mạng Việt Nam ra thị trường quốc tế Vòng xoáy tấn công bằng mã độc tống tiền đặt ra bài toán tăng cường bảo mật

Đây là thông tin do chuyên gia của Palo Alto Networks – Công ty đứng hàng đầu thế giới về an ninh mạng công bố trong họp báo Hội nghị với chủ đề “An ninh mạng trong kỷ nguyên AI” do đơn vị này tổ chức tại TP. Đà Nẵng chiều 23/8.

Ngành sản xuất là lĩnh vực bị mã độc tấn công nhiều nhất tại Việt Nam
Đoàn Quang Hòa – Giám đốc Công nghệ Palo Alto Networks Việt Nam cho biết, ngành sản xuất là lĩnh vực bị mã độc tấn công nhiều nhất tại Việt Nam

Theo Palo Alto Networks, Việt Nam đang tăng tốc hướng tới Công nghiệp 4.0, dưới định hướng của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia (DTA) nhằm tận dụng công nghệ số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường quản trị và thúc đẩy phát triển xã hội. Nền kinh tế số hiện đóng góp hơn 18% vào GDP của Việt Nam và dự kiến sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tới.

Tuy nhiên, là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, Việt Nam cũng đứng trước những thách thức phức tạp liên quan tới an ninh mạng, với những mối đe dọa tấn công bằng mã độc (ransomware) cũng như tấn công dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).

Nghiên cứu gần đây từ Palo Alto Networks cho thấy ngành sản xuất là lĩnh vực bị tấn công ransomware nhiều nhất tại ASEAN, chủ yếu do khả năng hiển thị hệ thống hạn chế và giám sát mạng lưới không đầy đủ. Tại Việt Nam, ngành sản xuất đóng vai trò quan trọng trong thành công của nền kinh tế, đóng góp tới hơn 20% GDP và do đó, tấn công mạng sẽ đe dọa nghiêm trọng tính ổn định của nền kinh tế quốc gia.

Theo ông Đoàn Quang Hoà, Giám đốc Công nghệ, Palo Alto Networks Việt Nam, gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các mối đe dọa mạng như ransomware, lừa đảo và gian lận, phản ánh sự gia tăng các lỗ hổng bảo mật của doanh nghiệp. Với AI, những rủi ro này sẽ tiếp tục gia tăng.

“Đặc biệt trong những năm gần đây, tại Việt Nam nói riêng, ASEAN và thế giới nói chung đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh mạng với những mối đe dọa tấn công bằng mã độc. Các đối tượng chiếm đoạt thông tin để tống tiền, chiếm đoạt tài sản”, ông Đoàn Quang Hòa thông tin.

Ngành sản xuất là lĩnh vực bị mã độc tấn công nhiều nhất tại Việt Nam
Thời gian để thực hiện một cuộc tấn công mạng hiện chỉ còn khoảng 1 ngày

Đại diện Palo Alto Networks Việt Nam làm rõ thêm, trong những năm 2021 – 2022, cần khoảng 9 ngày để các đối tượng thực hiện một cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên với sự can thiệp ngày càng sâu của AI, ở thời điểm hiện tại các đối tượng chỉ mất khoảng 1 ngày để có thể xâm nhập hệ thống và lấy toàn bộ thông tin. Và đến khoảng sau năm 2026 thì thời gian còn rút ngắn xuống chỉ khoảng 20 phút.

Vì vậy, việc đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng sử dụng AI là điều bắt buộc, vì an ninh mạng không chỉ là một chi phí, mà còn là một khoản đầu tư quan trọng. “Khảo sát của Palo Alto Networks cho thấy, trung bình mỗi đơn vị trên thế giới tới thiệt hại 4,88 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng) khi bị chiếm đoạt thông tin trên mạng. Tại Việt Nam con số này thấp hơn nhưng cũng rất lớn”, ông Đoàn Quang Hòa chia sẻ.

Đại diện Palo Alto Networks Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức nên đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng sử dụng AI; phân bổ nguồn lực để triển khai các hệ thống phòng thủ sử dụng AI có khả năng thích ứng với các mối đe dọa đang phát triển trong thời gian thực.

Cùng với đó, chia sẻ thông tin đe dọa với các đối tác ngành và cộng đồng an ninh có thể giúp tăng cường phòng thủ tập thể trước các cuộc tấn công sử dụng AI.

Ngành sản xuất là lĩnh vực bị mã độc tấn công nhiều nhất tại Việt Nam
Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được khuyến nghị xây dựng văn hóa nhận thức về an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động

Ngoài ra, xây dựng văn hóa nhận thức về an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động; Thường xuyên cập nhật kiến thức về các công nghệ AI mới nổi và các ứng dụng tiềm năng trong cả phòng thủ và tấn công an ninh mạng.

Theo thống kê, tại Việt Nam, năm 2023 có gần 14.000 vụ tấn công an ninh mạng. Hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độ mã hóa dữ liệu tống tiền tấn công.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương