Lý do gì khiến MBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT ?

(Banker.vn) CTCK MB (MBS) duy trì khuyến nghị MUA cho cổ phiếu FPT do doanh thu và lợi nhuận sau thuế duy trì tăng trưởng 2 chữ số; Trúng thầu nhiều hợp đồng CNTT mới cả trong và ngoài nước; và Chi tiêu cho CNTT toàn cầu và trong nước tăng trưởng mạnh mẽ trong 2022-2023.

Kết thúc 3 quý năm 2022, Công ty CP FPT (FPT) ghi nhận doanh thu đạt 30.975 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ (svck), lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, tăng 23,8% svck, hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 74,4% lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.856 tỷ đồng, tăng hơn 28% svck.

Trong đó, mảng công nghệ ghi nhận 17.742 tỷ đồng doanh thu (+24,1% svck), LNTT đạt 2.635 tỷ đồng (+25,7% svck), chiếm 47% cơ cấu lợi nhuận cả tập đoàn. Mảng viễn thông có doanh thu duy trì tăng 17,1% svck, đạt 10.807 tỷ đồng. Biên lợi nhuận đạt 18,8%, tăng nhẹ nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV. Mảng giáo dục tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu đạt 2.425 tỷ đồng, tăng 70% svck.

MBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT
Nguồn: MBS

Tiềm năng Khối công nghệ vẫn còn nhiều dư địa trong tương lai

Theo Gartner, chi tiêu cho CNTT trên toàn thế giới dự kiến đạt tổng cộng 4,43 nghìn tỷ USD vào năm 2022, tăng 0,8% so với năm 2021. Dịch vụ CNTT tăng 4,2% trong năm 2022, lên 1.258 tỷ USD và dự kiến tăng 7,9% vào năm 2023. Các doanh nghiệp toàn cầu hiện phải cắt giảm chi phí do chịu ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu và lạm phát tăng cao. Chi phí cho CNTT cũng bị cắt giảm, làm ảnh hưởng đến chi tiêu công nghệ toàn cầu trong năm 2022.

Nhu cầu về CNTT vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng mạnh khi doanh nghiệp đẩy mạnh các sáng kiến kinh doanh kỹ thuật số để đối phó với tình trạng kinh tế bất ổn. Chi tiêu cho CNTT dự đoán sẽ tăng 5,1% vào 2023; đạt tổng cộng 4,6 nghìn tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2022. Trong đó, mảng phần mềm vẫn đạt mức tăng trưởng tốt từ 2022 đến 2023, lần lượt tăng 8% và 11,3%, đạt 879 tỷ USD vào 2023. Mảng dịch vụ CNTT cũng ghi nhận con số khả quan khi tăng 4,2% vào năm nay và 7,9% vào năm sau.

Số liệu của Statista cho thấy năm 2022, chi tiêu cho chuyển đổi kỹ thuật số (DX) dự kiến đạt 1,8 nghìn tỷ USD và đạt 2,8 nghìn tỷ USD vào 2025, gần gấp đôi 2021. Có thể thấy tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của lĩnh vực công nghệ và sức mạnh của ứng dụng công nghệ trong các khía cạnh của cuộc sống. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh và quản trị, điều hành đều cần ứng dụng công nghệ làm nền tảng để đảm bảo hiệu quả, tính liên tục và bền vững. Đây là tiền đề cho sự tăng trưởng của các khoản đầu tư cho công nghệ với tốc độ ổn định không chỉ trong năm 2022 mà còn kéo dài trong thập kỷ tới.

MBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT
Nguồn: MBS

Tại thị trường quốc tế, FPT liên tục khai thác tốt thị trường nước ngoài với 13.479 tỷ đồng doanh thu và 2.210 tỷ đồng LNTT. Biên lợi nhuận trước thuế duy trì ổn định ở mức 17,5%, đạt kì vọng về tăng trưởng doanh thu của FPT. Nhật Bản vẫn là thị trường được FPT tập trung vào nhiều nhất với 39% tỉ trọng doanh thu mảng này.

Những năm gần đây, doanh thu tại của FPT có xu hướng dịch chuyển sang Mỹ khi FPT kí được nhiều hợp đồng lớn tại thị trường này. Trong nửa đầu năm, FPT cũng đã thực hiện khai trương văn phòng mới tại New York. Trong vòng 2 năm tới, Mỹ được dự kiến sẽ trở thành thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, góp phần đưa doanh thu của FPT Software đạt mức tỷ USD vào năm 2023.

Vừa qua, FPT cũng đã mở văn phòng mới tại Đan Mạch, thể hiện bước đi của tập đoàn trong việc tiếp tục phát triển thị trường châu Âu. FPT Software châu Âu hiện có 500 nhân viên làm việc tại 7 quốc gia trong khu vực và cung cấp giải pháp dịch vụ cho gần 100 doanh nghiệp lớn như RWE, Schaeffler, Airbus, E.ON..., hướng đến mục tiêu trở thành một trong 10 nhà cung cấp dịch vụ Chuyển đổi số hàng đầu tại châu Âu vào năm 2050.

Bên cạnh đó, FPT cũng vừa ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc. - một công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật, giúp FPT có thêm cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.

MBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT
Nguồn: MBS

Tại thị trường trong nước, với dịch vụ CNTT, FPT thu về 4.263 tỷ đồng doanh thu và 425 tỷ đồng LNTT. Trong đó, các sản phẩm phần mềm Made-by-FPT ghi nhận 658 tỷ doanh thu trong 9 tháng năm 2022, tăng trưởng 48,3%.

Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2020, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao. Là doanh nghiệp đi đầu, FPT được hưởng lợi rất lớn từ làn sóng chuyển đổi số này.

Sau hai năm đại dịch, quá trình chuyển đổi số lại càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực làm việc trực tuyến hoặc làm việc từ xa đã dần trở nên phổ biến và thành xu thế mới mẻ. Các dịch vụ giáo dục trực tuyến, y tế từ xa cũng như mua sắm trên mạng… phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin được kỳ vọng hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới. Cùng với đó, sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin viễn thông tăng trưởng mạnh.

Hiện nay, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch năm 2022. FPT cũng đã ký kết chuyển đổi số với nhiều tỉnh thành như Hậu Giang, Huế, Nam Định, Vĩnh Phúc..Tập đoàn phát triển giải pháp trên cả ba trụ cột kinh tế số, chính phủ số, xã hội số hướng đến mô hình quốc gia số. Trong năm qua, FPT đã xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với 22 địa phương và đào tạo nhận thức chuyển đổi số cho gần hàng vạn cán bộ lãnh đạo các cấp của các địa phương trên toàn quốc.

Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu phát triển 80.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025. Đến nay Việt Nam đã có khoảng 68.800 doanh nghiệp công nghệ số, gần sát với mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là 70.000 doanh nghiệp.

Là đơn vị cung cấp CNTT hàng đầu tại Việt Nam, FPT đi đầu và sớm đầu tư phát triển giải pháp công nghệ toàn diện cho nhiều ngành nghề trọng điểm như ngân hàng, xây dựng – bất động sản, sản xuất.. Với xu hướng tất yếu của thời đại, trong thời gian tới, FPT với kinh nghiệm dày dặn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp và các ban ngành, tỉnh thành trên cả nước.

MBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT
Nguồn: MBS

Về mảng viễn thông, FPT vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số với 17,1% doanh thu và 21,6% LNTT, lần lượt đạt 7.077 tỷ và 1.445 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Dịch vụ viễn thông mang về 10.243 tỷ đồng (+16,1%) doanh thu và 1.928 (+20,5%) tỷ đồng LNTT, trong khi quảng cáo trực tuyến đạt 564 tỷ đồng (+37,7%) doanh thu và 241 tỷ đồng (+31,2%) LNTT. Qua các quý, doanh thu và lợi nhuận Khối viễn thông vẫn đạt được tăng trưởng 2 con số, đạt được kỳ vọng của ban lãnh đạo tập đoàn sau khi chững lại vào 2021 do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Biên LNTT cải thiện qua các năm do đóng góp ngày càng lớn của mảng dịch vụ trả phí. FPT liên tục cải thiện và triển khai các ứng dụng công nghệ để đánh giá hành vi khách hàng, qua đó kiểm soát tỉ lệ rời mạng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, FPT phát triển nội dung hướng đến khán giả đại chúng cho mảng truyền hình trả tiền và có kế hoạch tận dụng các thuê bao này để tăng doanh thu quảng cáo. FPT Play.

MBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT
Nguồn: MBS

Mảng giáo dục

Theo Euromonitor, Việt Nam có thị trường giáo dục quy mô lớn với quy mô lên đến 10 tỷ USD với dân số 100 triệu dân, trong đó gần 20 triệu người đang trong độ tuổi đi học phổ thông (6 – 17 tuổi) và 10 triệu trẻ dưới sáu tuổi. Năm 2021, ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam có giá trị khoảng 326,02 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,88% tổng GDP của cả nước.

Song song với đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh chóng, tạo nên nhu cầu lớn đối với các đơn vị giáo dục tư nhân chất lượng cao. Có thể thấy rằng, ngành giáo dục dự kiến tăng trưởng tốt trong các năm tới, số lượng trường công lập có xu hướng giảm trong khi số lượng trường ngoài công lập lại tăng mạnh trong những năm vừa rồi.

Hiện nay, xu hướng học tập tại các trường ngoài công lập đã tăng lên đáng kể khi chất lượng đào tạo của các trường ngày càng tăng cao. Tại hệ Tiểu học, Trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh được lựa chọn hệ đào tạo theo giáo trình của chương trình quốc tế có tiếng. Tại cấp đại học, cao đẳng, các trường giáo dục dân lập mang đến cơ hội việc làm tốt khi được thực hành song song trong quá trình theo học, hoặc thậm chí đảm bảo đầu ra như FPT với 100% sinh viên ra trường có cơ hội việc làm tại tập đoàn.

Nhận thấy xu thế chuyển dịch sang giáo dục tư nhân chất lượng cao, FPT chia sẻ rằng sẽ triển khai bổ sung các chương trình dạy học mới cho các phân khúc học sinh khách nhau để mở rộng theo chiều dọc và mở rộng và xây mới các cơ sở mới tại các tỉnh thành khác nhau để phát triển về chiều ngang. FPT thể hiện quyết tâm trở thành hệ thống giáo dục mega quy mô lớn tại Việt Nam. Để đạt được điều này, FPT sẽ ứng dụng chuyển đổi số để đảm bảo chất lượng đào tạo, xây dựng trải nghiệm của học sinh và đẩy mạnh phát triển thương hiệu giáo dục của FPT.

Mặc dù mảng giáo dục chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của tập đoàn (8%) nhưng cùng với mảng đầu tư đóng góp tới 15% lợi nhuận trước thuế, tương ứng 861 tỷ đồng trong 9M2022. Số lượng học sinh trong giai đoạn 2019 – 2021 tăng gần 2 lần, cho thấy kế hoạch Doubling Every Two Year vẫn được bám sát. Trong thời gian sắp tới, FPT Education tiếp tục đầu tư mở rộng các khuôn viên tại các thành phố lớn, đồng thời mở cơ sở giáo dục liên cấp tại các thành phố mới như Hải Phòng, Bắc Ninh nhằm đẩy mạnh sự phát triển của mảng kinh doanh này.

MBS duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT
Nguồn: MBS

Dựa trên phương pháp Định giá từng phần và Phương pháp so sánh P/E, MBS khuyến nghị Mua với giá mục tiêu là 104.100/cổ phần, upsize 40% từ mức giá 74.100, với Doanh thu và LNST năm 2022 lần lượt là 43.238 tỷ đồng (+21%) và 6.761 tỷ đồng (+26%).

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thế Hưng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán