Agriseco gọi tên 4 nhóm ngành tiềm năng – gợi mở cơ hội với NĐT

(Banker.vn) Trong bối cảnh thị trường có những cơ hội và thách thức đan xen như hiện tại, nhà đầu tư cần phải xây dựng được cho mình chiến lược đầu tư phù hợp để bảo toàn vốn cũng như chọn lọc cơ hội trên thị trường. Agriseco Research gợi ý đầu tư các nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh bán niên tăng trưởng tốt…

Trước những cơ hội và thách thức đan xen, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phục hồi khá tích cực với mức tăng 4,5% kể từ đầu năm 2023 và đang quay trở lại chinh phục mốc 1.100 điểm. Xét về mặt định giá, thị trường đang ở vùng giá thấp so với lịch sử, phản ánh trước kỳ vọng lợi nhuận thị trường có thể sụt giảm trong quý 1 và quý 2 năm 2023.

Cụ thể, VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E 11,9 lần và P/B 1,68 lần, đều dưới 1 lần độ lệch chuẩn. Đây là mức định giá phù hợp của thị trường trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” như hiện tại.

Nguồn: Fiinpro, Agriseco Research tổng hợp
Nguồn: Fiinpro, Agriseco Research tổng hợp

Agriseco Research dự báo VN-Index sẽ tiếp tục biến động trong biên độ 1.000 – 1.100 điểm trong quý 2; Lợi nhuận toàn thị trường quý 1/2023 và quý 2/2023 có thể tiếp tục suy giảm lần lượt 15-20% và 5-10% so với cùng kỳ trước khi lấy lại đà tăng trưởng vào nửa cuối năm 2023.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ triển vọng lợi nhuận kém khả quan của nhiều nhóm ngành trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và mức nền lợi nhuận cao cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các nhóm ngành xuất khẩu ảnh hưởng tiêu cực bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Ngành BĐS được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2023 khi thanh khoản thị trường sụt giảm, số lượng các dự án mới hạn chế trong bối cảnh các nhà phát triển BĐS khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, rủi ro từ thị trường BĐS cũng tác động không nhỏ tới hệ thống ngân hàng và có thể làm tăng rủi ro về nợ xấu. Hai ngành trụ cột là ngân hàng và BĐS gặp nhiều khó khăn sẽ có tác động liên đới tới nhiều nhóm ngành khác.

Trong bối cảnh thị trường có những cơ hội và thách thức đan xen như hiện tại, nhà đầu tư cần phải xây dựng được cho mình chiến lược đầu tư phù hợp để bảo toàn vốn cũng như chọn lọc cơ hội trên thị trường.

Đầu tư các nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh bán niên tăng trưởng tốt:

Ngành dầu khí: PVD, PVS

Triển vọng lợi nhuận nửa đầu năm 2023 khả quan. Sau 2 năm 2021-2022 giá dầu bước vào xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, giá các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê giàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi đang tăng khá tốt. Dự án Lô B - Ô Môn cũng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp thăm dò khai thác dầu khí trong trung dài hạn.

Agriseco gọi tên 4 nhóm ngành tiềm năng – gợi mở cơ hội với NĐT
CTCK đánh giá triển vọng lợi nhuận nửa đầu năm 2023 khả quan

Mới đây, OPEC đã tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng lên đến hơn 1 triệu thùng dầu/ngày trong thông báo mới nhất. Trước sự kiện trên, giá dầu Brent và WTI đều bật tăng mạnh trở lại. Với mặt bằng giá dầu ở mức cao và nguồn cung bị cắt giảm, các nhà khai thác dầu sẽ đẩy mạnh việc kìm kiếm, thăm dò và đặt giàn khoan mới.

Ngành lương thực – gạo: LTG

Hưởng lợi từ giá gạo tăng: Ba tháng đầu năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 531 USD/tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất trong gần 2 năm qua. Nguyên nhân đến từ (1) Nhu cầu nhập khẩu của một số nước gia tăng trong đó có Trung Quốc khi quốc gia này mở cửa nền kinh tế; (2) Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào tháng 9/2023; (3) Hiện tượng El Nino có thể sẽ diễn ra vào năm nay ảnh hưởng đến sản lượng của các quốc gia sản xuất gạo lớn (Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc,...).

Xuất khẩu gạo khởi sắc trong năm 2023: Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo tháng 3/2023 ước đạt 480 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 952 triệu USD, tăng lần lượt 82% và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Với việc giá gạo tiếp tục xu hướng tăng và nhiều quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo, Agriseco Research dự báo xuất khẩu gạo có thể tiếp tục tăng trưởng tích cực trong các tháng tới.

Chi phí vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt: Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu đã hạ nhiệt đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể tại Việt Nam, giá phân Ure đang dao động quanh 10.000–11.000 đồng/kg, giảm khoản 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành vận tải dầu: PVT, GSP, PVP, VIP

Triển vọng lợi nhuận H1/2023 tích cực nhờ giá cước vận tải và giá cước cho thuê tàu định hạn đang trong xu hướng tăng và có thể duy trì ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga làm thay đổi hải trình và thời gian các tuyến vận tải dầu hiện nay.

Nhu cầu vận tải qua đường biển ngày càng lớn khi Nga tăng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới như Ấn Độ hay Trung Quốc để thay thế EU. Ở chiều ngược lại, EU cũng cần nhập khẩu dầu bằng đường biển để thay thế cho dầu từ Nga.

Ngành xây dựng: C4G, CTD

Kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ gia tăng trong các quý kế tiếp khi trong 3 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân chỉ đạt khoảng 10% tổng kế hoạch cả năm và tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ (khoảng 13%). Hiện tại, ước tính tỷ lệ vốn đã giải ngân cho dự án cao tốc Bắc – Nam GĐ2 cuối quý 1/2023 sẽ đạt khoảng 36% kế hoạch cả năm và các địa phương đã bàn giao giải phóng mặt bằng được gần 80%, do đó các nhà thầu thi công được kỳ vọng sẽ bắt đầu đẩy mạnh thi công từ quý 2/2023. Ngoài cao tốc Bắc – Nam, câu chuyện để kỳ vọng trong quý 2/2023 là liên quan tới nhà thầu trúng đại dự án Sân bay Long Thành – dự kiến sẽ có kết quả cuối tháng 4/2023.

Một số dự án cao tốc trọng điểm thuộc Cao tốc Bắc – Nam GĐ1 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào bàn giao trong nửa đầu năm 2023 sẽ hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận: Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây,…

Giá vật liệu được dự báo sẽ ở vùng thấp, hỗ trợ lợi nhuận cho các doanh nghiệp xây dựng. Đối với xi măng, với việc giá trị xuất khẩu tháng 2/2023 giảm 98% yoy do (1) Tăng thuế xuất khẩu clinker lên 10% kể từ đầu năm 2023 và (2) Thị trường BĐS Trung Quốc rơi vào trạng thái đóng băng, nguồn cung xi măng trong nước sẽ còn dư ra khá nhiều và (3) Than – nguyên vật liệu chiếm tới 40% đầu vào của xi măng giảm khoảng 60% so với đỉnh và về mức trước khi tăng, vì vậy khó để giá xi măng tăng mạnh trong quý 2 tới đây.

Trong khi đó, với ngành thép, dự báo nguồn cung sẽ phục hồi dần theo nhu cầu thi công của các doanh nghiệp xây dựng, điều này sẽ giúp giá thép không tăng quá mạnh trong thời gian tới.

Triển vọng đầy "ngọt ngào" của cổ phiếu mía đường

Mía đường là ngành mang tính chu kỳ mạnh và kết quả kinh doanh của ngành này lên xuống theo giá đường trên thị trường, ...

Dòng tiền vào kênh chứng khoán sớm được khơi thông khi lãi suất điều hành đảo chiều đi xuống

Theo thống kê của Agriseco Research, VN-Index thường tăng điểm tích cực sau mỗi giai đoạn Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ...

Hết "game", cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HOSE quý 1/2023 bất ngờ giảm 30%

Tính riêng trong quý 1 vừa qua, cổ phiếu này tăng gần 130% giá trị dù có thời điểm mức tăng lên tới 190%.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán