Thành viên HĐQT PGBank vừa nộp đơn xin từ nhiệm

(Banker.vn) Mới đây, ông Lê Minh Quốc – thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex – PGBank (UPCoM - Mã: PGB) nhiệm kỳ 2020-2025 đã có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 8/3/2021 vì lý do cá nhân.

Được biết, ông Quốc đã có nhiều năm gắn bó với PGBank và là thành viên HĐQT của ngân hàng này kể từ 2011 đến nay. Hồi tháng 9/2019, sau khi ông Bùi Ngọc Bảo thôi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, PGBank đã giao ông Lê Minh Quốc làm thành viên phụ trách HĐQT cho đến 1 tháng sau, ông Nguyễn Quang Định – TGĐ PGBank được bầu làm Chủ tịch HĐQT tại cuộc họp bất thường.

Ông Quốc tốt nghiệp Tiến sỹ về Địa chất - Vật lý tại Liên bang Nga, hiện ông Lê Minh Quốc đang đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Năng; Phó Giám đốc CTCP Hoá dầu Quân đội (MIPEC); Giám đốc CTCP Bất động sản Mipec (Mipecland).

Đơn xin từ nhiệm của ông Quốc có thể sẽ được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới. Trước đó, hồi tháng 1/2021, PGBank cũng đã thông báo về việc đề cử nhân sự dự kiến bầu thay thế vào bổ sung vào chức danh thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát PGBank nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, ngân hàng dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 về việc bầu thay thế 2 thành viên HĐQT và bầu bổ sung 1 thành viên BKS.

Theo tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, PGBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 310 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020 với giả định tổng thu nhập không tăng, chi phí quản lý kinh doanh tăng 9% và chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 44%.

HĐQT PGBank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 xem xét thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập PGBank vào HDBank. Ngân hàng cho biết, tháng 04/2018, ĐHĐCĐ đã thông qua nội dung sáp nhập PG Bank vào Ngân hàng TMCP Phát triển Hồ Chí Minh (HD Bank). Mặc dù, hai ngân hàng đã khẩn trương, tích cực triển khai giao dịch sáp nhập cũng như đàm phán các nội dung liên quan. Hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, cho đến nay giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PG Bank.

Hoạt động kinh doanh của PG Bank kém hiệu quả

Kết thúc năm 2020, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) báo lãi trước thuế 212 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 11,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng này không đến từ hoạt động kinh doanh, mà nhờ khoản cắt giảm trích lập dự phòng của ngân hàng.

Thực tế, tình hình kinh doanh của PG Bank trong năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức thấp trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tín dụng tuy là hoạt động mang lại thu nhập chính, nhưng hầu như không có sự biến đổi đáng kể so với các năm trước. Thu nhập lãi thuần chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 6% (tương tương tăng 113 tỷ đồng) so với năm 2019.

Trong khi đó, các hoạt động phi tín dụng có xu hướng giảm. Cụ thể, hoạt động dịch vụ của ngân hàng giảm 8,5% so với năm ngoái, đạt 30 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối đạt 31,5 tỷ đồng, giảm 38%. Góp vốn mua cổ phần, đầu tư cũng sụt giảm khi chỉ thu về số tiền cổ tức là 1,4 tỷ đồng, trong khi năm 2019 thu về 14 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của PG Bank năm 2020 đến từ chứng khoán đầu tư. Những khoản đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào trái phiếu đã mang về cho PG Bank khoản lãi 21,3 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần mức lãi trong năm 2019.

Tuy nhiên, khoản lãi trên không đủ lớn để cân bằng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh so với năm 2019.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng không khả quan. Các hoạt động khác lại sụt giảm khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PG Bank giảm sâu 22,3% so với năm trước, chỉ đạt 494 tỷ đồng.

PG Bank đã cắt giảm 48% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với năm trước còn 282 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế không giảm sâu, ghi nhận mức lãi 212 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi mức lãi trước thuế 90 tỷ đồng của năm trước.

Mặc dù hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra, nhưng hiệu quả hoạt động tín dụng của PG Bank vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng phải phụ thuộc vào mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Tính đến ngày 31/12/2020, PGBank cho vay khách hàng được 25.675 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 8,4%, khá thấp so với mức tăng trưởng tín dụng 12,31% của toàn ngành ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ là 2,44%. Nhấn mạnh rằng, trong năm 2020, nhiều khoản nợ xấu đã được hạn chế do ngân hàng thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên chưa thể phản ánh chính xác thực trạng nợ xấu của ngân hàng.

Tuệ An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục