UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, trong đó thành phố sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ và dịch vụ thanh toán điện tử; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng…
Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Thành phố; Góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ sở cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ và dịch vụ thanh toán điện tử; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới; Hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm thanh toán số; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các sở, ngành, lĩnh vực khác của thành phố để mở rộng hệ sinh thái số trong lĩnh vực thanh toán.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng của những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế.
Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công, tăng cường phối hợp, mở rộng kết nối giữa các sở ngành, lĩnh vực với hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của thành phố Hà Nội, ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến.
Phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, thu phí và lệ phí lĩnh vực đăng ký kinh doanh, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán. Mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các điểm thu nộp thuế của cơ quan thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội... để phục vụ thanh toán phí dịch vụ công, thu ngân sách qua ngân hàng.
Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng tạo thuận lợi cho khách hàng đặc biệt trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, tiền nước, học phí, cước viễn thông...), viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mở rộng và phát triển việc kết nối liên thông giữa các ngân hàng với các đơn vị cung ứng dịch vụ như điện, nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm... để thực hiện việc xử lý và đối chiếu thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý các khoản thu, chi với khách hàng được nhanh chóng, chính xác.
Thành phố Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh trao đổi thông tin dữ liệu, kết nối giữa Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hà Nội với hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục mở rộng triển khai trả lương, thu nhập qua tài khoản đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hưởng ứng và tích cực triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước;
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng nghiên cứu áp dụng các chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, tặng quà... để khuyến khích khách hàng, đặc biệt là khách ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận trải nghiệm dịch vụ ngân hàng như mở thẻ, mở mới tài khoản thanh toán... Các hoạt động chuyển khoản, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt như bằng thẻ hay qua ứng dụng điện thoại di động, mã QR, trích nợ tự động... cũng cần có chính sách ưu đãi.
Thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. Chỉ tính đến cuối tháng 3 vừa qua, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Nếu so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; trong lúc giao dịch qua kênh QR code thậm chí đạt mức tăng tương ứng tới 83% về số lượng và 146% về giá trị.
Minh Hoàng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|