Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm, phương thức, giải pháp quản lý thông tin nhằm phát huy mặt tích cực đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của truyền thông xã hội hiện nay. Với sự phát triển của công nghệ, truyền thông xã hội đã trở thành một kênh trao đổi thông tin phổ biến nhưng cũng là môi trường phát tán tin giả, thông tin xuyên tạc... gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ bối cảnh này, hội thảo tập trung vào một số chủ đề như: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý thông tin trong bối cảnh truyền thông số; thực trạng quản lý thông tin trên mạng xã hội tại Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay; kinh nghiệm, giải pháp quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin; nhận diện, đấu tranh, xử lý tin giả, tin xấu độc trên môi trường truyền thông xã hội.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội. Đây là một trong những kênh quan trọng để trao đổi thông tin, kết nối quan hệ và chia sẻ cảm xúc.
Sự bùng nổ của internet tại Việt Nam đã tạo nền tảng quan trọng cho truyền thông xã hội phát triển. Tuy nhiên, truyền thông xã hội cũng trở thành môi trường tiềm ẩn đầy rủi ro, nguy cơ và hậu quả.
PGS.TS Lưu Văn An, quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Văn An, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, truyền thông ảo đã mang đến những hậu quả thật, nhất là khi người dùng mạng xã hội hiện nay đa số là giới trẻ. Khi truyền thông xã hội đã là một phần của cuộc sống, không còn cách nào khác là thích ứng, sống chung với nó nhưng phải tỉnh táo và khôn ngoan. "Chính vì vậy, quản lý thông tin trên mạng xã hội trở thành một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh, tích cực, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội."
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo cho rằng, môi trường truyền thông mới đặt ra những thách thức “phi truyền thống” cho công tác quản lý thông tin, đòi hỏi có sự đổi mới về tư duy và phương thức quản lý. Đội ngũ cán bộ quản lý cần nâng cao năng lực hoạch định chính sách, xây dựng quy định, dự báo tình hình trong khi công chúng cần cải thiện kỹ năng tiếp cận, đánh giá thông tin, nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng truyền thông xã hội vì sự phát triển của bản thân và xã hội.
Giám đốc KOICA Việt Nam Cho Han Deog chia sẻ : “Đại dịch Covid-19 trong năm nay là một tình huống chưa từng có trong lịch sử và chúng ta đã chứng kiến không ít các hiện tượng xảy ra trên các nền tảng truyền thông xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số, truyền thông xã hội đã trở thành nền tảng đại chúng hỗ trợ quá trình trao đổi thông tin nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít những hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng do các thông tin giả, thông tin sai lệch. Chúng ta cần phân tích rõ hai mặt sáng, tối của hiện tượng này nhằm xây dựng một môi trường truyền thông lành mạnh hơn”.
Từ những cách tiếp cận giải pháp như vậy, Giám đốc KOICA Việt Nam Cho Han Deog cũng kỳ vọng, thông qua Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu Việt Nam, cũng như thông qua những ý kiến tại Hội thảo, KOICA sẽ góp phần giúp hai quốc gia xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, giải quyết các vấn đề truyền thông xã hội gây ra và phát triển một môi trường truyền thông tốt đẹp hơn.
Các đại biểu dự Hội thảo khoa học chụp ảnh lưu niệm
TH
Theo Người Làm Báo (Link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|