Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,2 triệu lượt trong 4 tháng

(Banker.vn) Tính chung 4 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 Thiếu hụt đường bay nội địa, Đà Nẵng kỳ vọng vào khách quốc tế dịp Lễ 30/4 và 1/5

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố 29/4 cho thấy: Trong tháng 4/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,7%; đường bộ 13,8% và đường biển là 2,5%.

Ảnh
Du khách quốc tế tham quan Đại Nội Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Tính chung 4 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu của năm 2024 ước đạt 237.300 tỷ đồng, tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này có được là nhờ thực hiện các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cùng sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp, đang tiếp tục phát huy tác dụng.

Mới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin trang web Guruwalk (tổ chức cộng đồng quốc tế chuyên cung cấp các tour đi bộ với hướng dẫn viên du lịch bản địa tại các thành phố trên thế giới) đã chọn Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) và Thành phố Hồ Chí Minh là 3 điểm đến của Việt Nam nằm trong danh sách 100 thành phố tuyệt vời nhất để đi bộ du lịch.

Danh sách này được tổng hợp dựa trên dữ liệu đặt chỗ và tìm kiếm của 800 thành phố tại 120 quốc gia thực hiện trên trang web của Guruwalk từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2024.

Bên cạnh đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ là du lịch đơn thuần mà còn khách hội nghị kết hợp du lịch (MICE), khách cần chăm sóc sức khỏe, nhu cầu chơi thể thao...

Do vậy, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản ăn ở, đi lại thì cần phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Ngành Du lịch đang liên kết với các ngành khác như nông nghiệp, công thương để tìm cách tạo sản phẩm tăng chi tiêu, mua sắm của du khách.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương