Giá xăng dầu hôm nay 2/2/2023: Tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 6h30 ngày 3/2 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu trên sàn New York Mercantile Exchanghe giao tháng 3/2023 đứng ở mức 79,12 USD/thùng, tăng 0,25 USD trong phiên.

Giá xăng trong nước tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023

Giá xăng dầu hôm nay 31/1/2023: Biến động trái chiều trên hai sàn giao dịch

Giá xăng dầu hôm nay 1/2/2023: Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc

Nếu so với cùng thời điểm ngày 31/1, giá dầu WTI giao tháng 3/2023 đã tăng 1,15 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 85,66 USD/thùng, tăng 0,20 USD trong phiên và đã tăng tới 1,03 USD so với cùng thời điểm ngày 1/2.

Giới phân tích nhận định, do lo ngại nguồn cung dầu thô từ Nga sụt giảm mạnh sau khi quốc gia này công bố các biện pháp giám sát hoạt động xuất khẩu dầu, giúp giá dầu hôm nay tăng mạnh. Theo đó, chính phủ Nga đã thông qua nghị định yêu cầu các công ty xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của Nga giám sát những gì không thuộc phạm vi áp dụng trần giá đối với tất cả giai đoạn của chuỗi cung ứng cho đến người tiêu dùng cuối cùng.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Quyết định kể trên tuân theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, cấm cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng trần giá.

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và Công nghệ phát triển Tổ hợp Nhiên liệu và Năng lượng, Đại học Dầu khí Quốc gia Nga Gubkin Vyacheslav Mishchenko, các biện pháp được thực hiện sẽ cho phép Nga khắc phục thành công những hạn chế và chuyển hướng dòng dịch vụ hậu cần sang thị trường khác. Đồng thời, giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD mất giá.

Ngoài ra, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trước kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ sớm thực hiện hạ lãi suất khi các nền kinh tế có dầu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu ngày 1/2 đi lên. Kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc và khả năng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng tạo động lực đẩy giá dầu hôm nay đi lên.

Tại thị trường trong nước, từ 19h ngày 30/1, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng thêm 990 đồng một lít, lên 23.140 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng thêm 970 đồng, có giá mới 22.320 đồng một lít.

Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel đắt thêm 890 đồng, lên 22.520 đồng; dầu hoả là 22.570 đồng (tăng 770 đồng) và dầu mazut là 13.930 đồng một kg, đắt thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.

Ở kỳ điều hành này, nhà điều hành tiếp tục không trích lập vào Quỹ bình ổn giá nhưng tăng mức chi từ quỹ này với xăng. Theo đó, mức chi quỹ với RON 95-III tăng từ 103 đồng ở kỳ điều hành ngày 11/1 lên 950 đồng; E5 RON 92 từ 121 đồng lên 850 đồng. Với các mặt hàng dầu, mức chi sử dụng quỹ vẫn duy trì 0 đồng, và giảm mức trích lập vào quỹ về mức 200 đồng một lít, kg.

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới từ giữa tháng 1 đến nay tăng giá mạnh do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố, như Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, tác động từ động thái áp giá trần dầu Nga của phương Tây và đồng USD yếu cộng với dự báo OPEC+ giữ nguyên việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tăng...

Đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu hàng tuần, chỉ trừ Tết Nguyên đán

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Liên quan đến thời gian điều hành và công bố giá, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể trong tuần. Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán).

Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Đây là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành khi Nghị định 95 nêu rõ kỳ nghỉ lễ không điều hành giá xăng dầu, dịp Tết Nguyên đán kỳ điều hành sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo.

Lý do chọn được Bộ Công Thương lựa chọn phương án trên là nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian để thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10-15 ngày. Nên khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu (đặc biệt khi vào chu kỳ giá đi xuống, ví dụ có thể xảy ra sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc).

Thanh Hằng (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán