Doanh nghiệp nhà nước phải có cơ chế trả lương như tư nhân

(Banker.vn) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, chính sách tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo người lao động đủ sống, cạnh tranh với tư nhân.
Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu Doanh nghiệp Nhà nước nộp ngân sách gần 400 nghìn tỷ đồng Doanh nghiệp nhà nước kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Nâng cao sức cạnh tranh qua cơ chế trả lương

Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Về tiền lương, thù lao, tiền thưởng, Điều 24 dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động; quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên, Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác theo Điều lệ doanh nghiệp hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp.

Quy định nêu trên phù hợp với Nghị quyết 12-NQ/TW, trong đó xác định thực hiện chế độ lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với tổng giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.

Lý do được đưa ra đó là, chưa phù hợp với tinh thần xây dựng Luật là “doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm” vì cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn can thiệp vào việc quyết định lương, thù lao tại doanh nghiệp; tạo thêm thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đã thực hiện theo nguyên tắc để xây dựng lương, thù lao nhưng vẫn phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Đồng thời, chưa phù hợp với nguyên tắc lương tiền lương, thù lao, tiền thưởng căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với thị trường, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp tại Điều 24 dự thảo Luật.

Nêu ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu bắt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước “phải xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu”, như vậy là can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần áp dụng thế nào để người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước đủ sống. Thực tế, chế độ lương, thưởng của doanh nghiệp tư nhân bao giờ cũng cao hơn so với Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ, vào bệnh viện tư nhân khác hẳn bệnh viện công, hay như trường học tư cũng khác so với trường công, ai có điều kiện cũng gửi con em vào học trường tư. Do vậy, bây giờ phải nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước thông qua cơ chế trả lương cho người lao động.

Phải có cơ chế trả lương như tư nhân

Tiếp thu giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, dự thảo lần này khác xa so với ban đầu khi trình Quốc hội tại kỳ họp trước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc

Về vấn đề tiền lương để thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải có cơ chế trả lương như tư nhân và giao quyền tự quyết cho doanh nghiệp.

“Một kỹ sư giỏi, doanh nghiệp tư nhân trả lương 100 triệu đồng mỗi tháng, mình chỉ trả lương 10 triệu đồng, thì làm sao thu hút được” - Phó Thủ tướng nói, đồng thời bày tỏ mong muốn dự án sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025 để “đi vào cuộc sống nhanh hơn”.

Chia sẻ thêm về việc này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, vấn đề tiền lương hoàn toàn giao quyền chủ động cho tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề là liệu có cần xin ý kiến của cơ quan đại diện vốn đối với lương của chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát hay không.

Nêu quan điểm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, khi người đại diện phần vốn nhà nước “biệt phái” xuống doanh nghiệp thì sẽ trả lương tại doanh nghiệp, chứ không phải nhận lương từ ngân sách Nhà nước.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Song, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đã là doanh nghiệp thì phải hành xử theo thị trường, cạnh tranh. "Lúc khó khăn cử anh em xuống doanh nghiệp làm việc, khi ăn nên làm ra mà họ chỉ được nhận lương hành chính thì chưa hợp lý" - ông Hải nói.

Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục