Địa ốc Lan Phương bị tố vẽ dự án 'ma': Hồ sơ 'nữ tướng' Sáu Phước

(Banker.vn) Địa ốc Lan Phương là thành viên của Tập đoàn Lan Phương, do nữ tướng Nguyễn Thị Phước hay thường gọi là Sáu Phước sáng lập. Lan Phương là tên con gái của bà.
Truy tố Giám đốc Công ty Angel Lina cùng đồng phạm lập 18 dự án "ma", lừa đảo gần 830 tỷ đổng Đồng Nai: Khởi tố 88 bị can trong vụ Công ty Lộc Phúc lập dự án ''ma'' để lừa đảo TP. Hồ Chí Minh: Lập dự án "ma" chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng

Vẽ dự án "ma" giữa lòng thành phố

Thời gian qua, vụ việc Công ty Địa ốc Lan Phương Real có dấu hiệu lập dự án "ma" để huy động vốn trái quy định, vi phạm pháp luật đang là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh.

Theo phản ánh của nhà đầu tư, Công ty Địa ốc Lan Phương Real liên tục quảng cáo, mời chào người dân tham gia đầu tư vào dự án của họ, nổi trội là khu dân cư Golden City Tân Quy và dự án River Củ Chi (huyện Củ Chi). Công ty Lan Phương Real khẳng định dự án đã được UBND huyện Củ Chi phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư có bản vẽ mặt bằng tổng thể phân lô và cũng được UBND huyện phê duyệt.

Địa ốc Lan Phương Real bị tố lập 'dự án ma': Hồ sơ giới chủ
Bà Nguyễn Thị Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lan Phương (Ảnh: lanphuongco.com)

Tin tưởng vào lời quảng bá chắc nịnh, cộng thêm những lời hứa hẹn có cánh, chẳng ít người nhẹ dạ, cả tin đã bị đội ngũ môi giới bất động sản của Công ty Địa ốc Lan Phương Real thuyết phục, đồng ý rót tiền vào hai dự án này mà không tìm hiểu, kiểm tra kỹ vấn đề pháp lý của dự án.

Kết quả, khi mọi chuyện vỡ lở, khu vực xây dựng dự án "trùm mền, đắp chiếu", nhiều nhà đầu tư quyết định thanh lý hợp đồng và đòi lại số tiền đã góp vốn. Đại diện Công ty Địa ốc Lan Phương Real khi ấy bắt đầu tìm cách "hoãn binh" bằng cách đưa ra những lý do hết sức "hợp tình, hợp lý" như dự án đang bị tạm dừng xây dựng theo quyết định của UBND huyện Củ Chi, đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền sở tại.

"Thực hiện Văn bản số 12312/UBND-QLĐT ngày 25/12/2020 của UBND huyện Củ Chi về chủ trương điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Vì vậy phải tạm dừng thi công khu dân cư Golden City để chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền", Công ty Địa ốc Lan Phương Real thanh minh trước nhà đầu tư.

Song, khi chính quyền địa phương tiếp nhận thông tin, ngay lập tức đã lên tiếng phủ nhận tính pháp lý của các dự án này. Phát biểu tại cuộc họp chiều 11/7, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Củ Chi nhấn mạnh: "Từ trước đến nay, UBND huyện Củ Chi không chấp thuận dự án khu dân cư nào mang tên khu dân cư Golden City Tân Quy và dự án River Củ Chi do Công ty Địa ốc Lan Phương Real thực hiện đầu tư".

Đồng thời, ông Huy chỉ rõ Văn bản 12312/UBND-QLĐT ngày 25/12/2020 của UBND huyện Củ Chi không có nội dung như doanh nghiệp đang "cắt nghĩa" cho người dân. Việc Công ty Địa ốc Lan Phương Real nói phải tạm dừng thi công khu dân cư Golden City để chờ hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền là hoàn toàn sai sự thật.

Địa ốc Lan Phương Real bị tố lập 'dự án ma': Hồ sơ giới chủ
Công ty Địa ốc Lan Phương Real "tự khoe" là chủ đầu tư của 4 dự án tiêu biểu ở huyện Củ Chi, bao gồm Tân Quy Center, Golden City Tân Quy, River Town Củ Chi và Tân Quy Town (Ảnh chụp màn hình)

"Văn bản số 12312 nói về chủ trương điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, nội dung của văn bản này mục đích là để giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện để thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của từng đơn vị, chứ không liên quan đến việc thi công các dự án nêu trên", Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Củ Chi phúc đáp.

Từ những dấu hiệu kể trên, đề nghị cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của Công ty Địa ốc Lan Phương Real để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Hồ sơ "nữ tướng" Sáu Phước

Trên website "lanphuongreal.vn", Công ty Địa ốc Lan Phương Real giới thiệu là thành viên của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Lan Phương, phụ trách mảng bất động sản, xây dựng. Doanh nghiệp "tự khoe" là chủ đầu tư của 4 dự án tiêu biểu ở huyện Củ Chi, bao gồm Tân Quy Center, Golden City Tân Quy, River Town Củ Chi và Tân Quy Town.

Trong đó, Golden City Tân Quy là dự án tọa lạc ở ngã tư Tân Quy, xã Tân Thạnh Tây, có tổng diện tích 40.000m2, quy mô 252 nền với pháp lý "rõ ràng minh bạch, sổ hồng riêng", "ngân hàng hỗ trợ 50%, 1 năm không lãi suất"... Còn dự án River Town Củ Chi nằm trên khu đất rộng 2ha (giai đoạn 1), quy mô 115 nền ở Tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Đông - vị trí vàng giao thoa huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, vô cùng sầm uất và đông đúc.

Các dự án đều có tiện ích đầy đủ, giao thông kết nối thuận tiện khi gần khu vực trung tâm. Thêm vào đó, chính sách chiết khấu hấp dẫn, được mở bán từ tháng 5/2019 với tiến độ thanh toán linh hoạt. Vậy, ai là người đứng sau những lời quảng cáo hoa mỹ nhưng sai hoàn toàn sự thật trên đây? Chủ đề này được công chúng quan tâm, bàn tán hơn cả.

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Công ty TNHH Địa ốc Lan Phương - Lan Phương Real (viết tắt là Công ty Địa ốc Lan Phương Real) được thành lập ngày 4/3/2017 ở 319/B1 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Lệ Quyên (SN 1988), cũng ngụ tại địa chỉ đăng ký của Công ty Địa ốc Lan Phương Real.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Lệ Quyên chỉ góp 10% trong tổng số vốn sáng lập 20 tỷ đồng. 70% vốn thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Hoàng Việt (SN 1968, thường trú tại phường 13, quận Bình Thạnh) - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngoài ra, còn một cổ đông khác là ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1982), người đàn ông giữ 20% cổ phần cuối cùng.

Đến tháng 1/2018, giới chủ Công ty Địa ốc Lan Phương Real có sự thay đổi lớn, ông Nguyễn Văn Hòa rút cạn vốn, đồng thời bà Trần Thị Lệ Quyên tăng tỷ lệ sở hữu lên 40%, ông Nguyễn Hoàng Việt giảm tương ứng xuống 60%.

Chưa hết, tháng 6/2018, ông Nguyễn Hoàng Việt tiếp tục là người "trượt" khỏi danh sách cổ đông, thay vào đó bổ sung bà Nguyễn Thị Phước (SN 1959), nữ doanh nhân tiếng tăm với biệt danh "Sáu Phước", nhà sáng lập thương hiệu Tập đoàn Lan Phương (lấy tên từ con gái Nguyễn Thị Lan Phương) ở số 19 Nguyễn Văn Đậu, phường 5, quận Phú Nhuận. Đây cũng là nơi ở của bà Nguyễn Thị Phước.

Kể từ đó tới nay, "nữ tướng" Sáu Phước trực tiếp "thân chinh", giữ 30% vốn điều lệ, chỉ sau bà Trần Thị Lệ Quyên (70%). Đáng lưu ý, đến giờ, trước "lình xình" lập dự án "ma", Công ty Địa ốc Lan Phương Real đã trong trạng thái "tạm dừng kinh doanh có thời hạn".

Mặc dù không đứng tên cho Công ty Địa ốc Lan Phương Real, nhưng với việc sở hữu lượng lớn cổ phần, bà Nguyễn Thị Phước khó rũ bỏ được trách nhiệm ở công ty thành viên nếu trường hợp không may xảy đến. Nói đi cũng phải nói lại, nữ doanh nhân này trước đó đã gặt hái được nhiều thành công nhất định.

Được biết, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Lan Phương (Công ty Lan Phương) thành lập vào năm 1996, là chủ đầu tư của nhiều dự án chung cư lớn ở quận Thủ Đức, bao gồm Saigon Avenue và The Navita thuộc phường Tam Bình; dự án Lan Phương Tower thuộc phường Trường Thọ... Không chỉ gói gọn trong mảng bất động sản, bà Nguyễn Thị Phước còn dấn thân kinh doanh các lĩnh vực khác như xăng dầu, rượu thảo dược, giáo dục...

Địa ốc Lan Phương Real bị tố lập 'dự án ma': Hồ sơ giới chủ
Công ty Lan Phương liên tục thua lỗ, cuối năm 2023 lỗ lũy kế trên 120 tỷ đồng

Tham vọng đa ngành khiến "nữ tướng" tuổi Kỷ Hợi gặp khó khăn trong công tác quản trị tài chính, quản trị nguồn lực. Những tưởng, Công ty Lan Phương - đơn vị chủ lực của Tập đoàn Lan Phương sẽ "lượm quả ngọt" và phát triển ngày một vững vàng hơn. Trái với kỳ vọng, những khoản nợ "ngập đầu" nảy sinh trong quá trình kinh doanh kém hiệu quả cứ dồn ứ, đẩy dày lên và trở thành "khối u" xơ cứng, đưa tập đoàn đến bờ vực "ngã quỵ".

Tài liệu Báo Công Thương có được cho thấy, tình trạng thua lỗ là căn bệnh "kinh niên" tại Công ty Lan Phương suốt thời gian dài. Thậm chí trong năm 2018, khi doanh thu của họ tăng trưởng tới 64% so với cùng kỳ, lên mức 167 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế vẫn là con số âm 6 tỷ đồng.

Sau đó, dường như dưới tác động của đại dịch Covid-19, nguồn thu của Công ty Lan Phương bắt đầu cạn dần, lần lượt giảm còn 76 tỷ đồng (2019), 21,8 tỷ đồng (2020), 17,7 tỷ đồng (2021), 10,9 tỷ đồng (2022) và 20,4 tỷ đồng (2023). Các khoản lỗ tiếp tục nối dài, từ 19,1 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng, 15,6 tỷ đồng, 1,4 tỷ đồng, 13,6 tỷ đồng, 8,4 tỷ đồng và 16,5 tỷ đồng (giai đoạn 2017 - 2023).

Tính đến cuối năm ngoái, tổng số lỗ ròng lũy kế Công ty Lan Phương là trên 120 tỷ đồng, cao vượt trội so với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng. Đó là nguồn cơn dẫn tới vốn chủ sở hữu ở doanh nghiệp mà nữ đại gia Nguyễn Thị Phước mất gần 30 năm "lao tâm, khổ trí" gây dựng, đã âm nặng đến 102 tỷ đồng.

Địa ốc Lan Phương Real bị tố lập 'dự án ma': Hồ sơ giới chủ
Âm vốn chủ sở hữu khiến nguy cơ "ngã quỵ" ở Công ty Lan Phương dần hiện hữu

Trong khi đó, khối nợ Công ty Lan Phương đang gánh có thời điểm tăng vọt lên 1.518 tỷ đồng (2021), sau đó giảm dần xuống 1.369 tỷ đồng và 756 tỷ đồng các năm 2022 - 2023.

Nợ nần giữa bối cảnh làm ăn thua lỗ, mất "trắng vốn" có thể là nguyên nhân khiến giới chủ Công ty Lan Phương phải chọn ra những giải pháp huy động vốn bất chấp quy định pháp luật, tương tự trường hợp ở Công ty Địa ốc Lan Phương Real đang gây bức xúc dư luận, như một giải pháp cứu cánh lúc ngặt nghèo.

Việt Anh

Theo: Báo Công Thương