Cung cấp điện tuần 34: Sản lượng giảm, công suất đỉnh tăng

(Banker.vn) Trong tuần 34 năm 2024, mặc dù sản lượng điện thấp hơn so với tuần trước song công suất đỉnh hệ thống lại tăng cao.
Cung cấp điện tuần 30: Công suất cực đại và sản lượng điện tăng cao Cung cấp điện tuần 32: Phụ tải miền Bắc tăng trung bình mỗi ngày từ 10-15 tr.kWh

Sản lượng giảm, công suất đỉnh tăng

Thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho thấy, trong tuần 34 từ 19/08 – 25/08/2024, sản lượng trung bình ngày đạt 924,6 tr.kWh, thấp hơn so với tuần trước khoảng 5,8 tr.kWh. Tuy nhiên, công suất cực đại của hệ thống trong tuần đạt 47.208,1 MW, cao hơn 848,2 MW so với tuần 33.

Trong đó, phụ tải miền Bắc ghi nhận đạt 445,3 tr.kWh; phụ tải miền Trung ghi nhận đạt 88,5 tr.kWh; phụ tải miền Nam + EDC ghi nhận đạt 390,9 tr.kWh. Do ảnh hưởng thời tiết nên phụ tải miền Bắc thấp hơn 3,3 tr.kWh/ngày so với tuần trước, trái ngược với miền Bắc thì miền Trung+Nam nền nhiệt duy trì ngưỡng cao, phụ tải miền Nam tương đương so với tuần trước.

Tại khu vực miền Trung+Nam do phụ tải tăng và điện gió phát thấp nên Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống và thị trường điện quốc gia (NSMO) đã huy động tất cả các tổ máy khả dụng và kết hợp khởi động các tổ máy tuabin khí miền Nam (bao gồm cả Nhiệt điện Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 4 vận hành nhiên liệu LNG) để đáp ứng cao điểm và ngừng dự phòng khi hết cao điểm.

Dự kiến phụ tải miền Bắc trong tuần 35 (từ ngày 26/8 đến ngày 1/9) có khả năng tăng cao theo diễn biến thời tiết, để đảm bảo khả dụng miền Bắc, NSMO đã lệnh khởi động các tổ máy nhiệt điện.

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 11%, miền Trung 9,8%, miền Nam 11,3%).

Như vậy, công tác cung cấp điện trong tuần 34 tiếp tục được đảm bảo tốt.

Cung cấp điện tuần 34: Sản lượng giảm, công suất đỉnh tăng
Các kỹ sư vận hành tại Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình

Huy động các nguồn điện ra sao?

Theo thống kê, sản lượng theo nước về (bao gồm thuỷ điện nhỏ) các ngày trong tuần 34 trung bình khoảng 538,4 tr.kWh/ngày, cao hơn 83,2 tr.kWh/ngày so với phương thức tháng 8 (455,2 tr.kWh/ngày), cao hơn 84,2 tr.kWh/ngày so với kế hoạch năm 2024 (454,3 tr.kWh/ngày). Do đó, cơ quan điều tiết đã huy động nguồn thuỷ điện cao với sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 420,8 tr.kWh.

Nhiều nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu tại miền Bắc đã đóng dần các cửa xả.

Đối với nhiệt điện than được huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu hệ thống và để đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp. Các nhà máy BOT có yêu cầu bao tiêu/thỏa thuận đều được huy động theo các ràng buộc về bao tiêu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp. Sản lượng khai thác trung bình ngày trong tuần khoảng 348,6 tr.kWh. Không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than.

Về nhiệt điện khí, huy động theo nhu cầu hệ thống, khả năng cấp khí đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp và yêu cầu vận hành an toàn, ổn định của các mỏ khí. Sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 43 tr.kWh

Trong tuần 34, do ảnh hưởng diễn biến phụ tải duy trì cao tại miền Nam, nguồn khí Nam Côn Sơn cấp giảm, để đảm bảo khả dụng nguồn hệ thống điện miền Nam/Quốc gia, NSMO đã thực hiện các giải pháp: (i) tích áp khí, ngừng/khởi động linh hoạt tuabin khí đáp ứng cao điểm (giải pháp ngắn hạn); (ii) Huy động NMĐ Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 4 chạy LNG.

Đối với nguồn năng lượng tái tạo (không tính thuỷ điện), đã huy động theo nhu cầu hệ thống, khả năng cấp khí đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp và yêu cầu vận hành an toàn, ổn định của các mỏ khí. Sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 99,3 tr.kWh, trong đó nguồn gió là 14,1 tr.kWh.

Trong tuần 35, cơ quan điều tiết sẽ tiếp tục huy động các nhà máy thủy điện căn cứ tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 08/2024, ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện để tận dụng nguồn tài nguyên nước, hạn chế tối đa việc xả thừa đồng thời đáp ứng các ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ.

Huy động tối đa Lai Châu và các nhà máy thủy điện đang xả. Các thuỷ điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bản Chát, Huội Quảng sẽ được huy động cao nhất có thể, định hướng nâng dần mức nước do đã chuyển sang thời kỳ lũ muộn theo quy định tại Điều 9 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Đồng thời, tăng khai thác các thủy điện có mực nước cao và đang trong giai đoạn mùa lũ.

Tiếp tục huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp. Huy động các nhà máy nhiệt điện BOT theo nhu cầu hệ thống và để đảm bảo bao tiêu quy định trong hợp đồng mua bán điện.

Huy động cao nhất có thể nguồn năng lượng tái tạo theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện.

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục