Tạm dừng phiên sáng, VN-Index ghi nhận mức tăng 2,64 điểm (+0,21%) lên 1.272,25 điểm với 196 mã tăng và 222 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 304,2 triệu đơn vị, giá trị 6.780 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 9% so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9 triệu đơn vị, tương đương 239,6 tỷ đồng.
Tâm điểm trong phiên sáng vẫn là cổ phiếu ngân hàng TCB, dẫn đầu thanh khoản trên sàn và ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong rổ VN30. Cụ thể, TCB tăng 2,43% lên 25.300 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh gần 27 triệu đơn vị, đóng góp hơn 1 điểm cho VN-Index. Theo sau là LPB, cổ phiếu mới gia nhập VN30, tăng 2,2% lên 36.650 đồng/cp, khớp lệnh hơn 1,8 triệu đơn vị. Các mã ngân hàng khác ghi nhận mức tăng nhẹ, chỉ HDB nhích hơn 1%. Ở chiều giảm, MSN, PLX, VRE, VNM, MWG mất từ 0,3% đến 1%, nhưng không có mã nào giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ít nổi bật, ngoại trừ TCL, TMT, FCM, LGL tăng trần, dù thanh khoản không quá lớn. Một số mã như VND, PAC, BMC, APG, TNT giữ được đà tăng từ hơn 3% đến 6%, trong đó VND xếp thứ ba về thanh khoản với gần 14 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index mở cửa trong sắc đỏ nhưng nhanh chóng hồi phục và duy trì đà tăng nhẹ. Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,19 điểm (+0,52%) lên 229,17 điểm với 87 mã tăng và 58 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,2 triệu đơn vị, giá trị 388,7 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index khởi sắc ngay từ đầu phiên và duy trì xu hướng tích cực đến cuối phiên sáng. Chốt phiên, chỉ số này tăng 0,5 điểm (+0,53%) lên 96,4 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 27,5 triệu đơn vị, giá trị 376,4 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận không đáng kể. Điểm nhấn trong phiên sáng là cổ phiếu MSR khi bất ngờ bứt phá mạnh, khớp lệnh cao nhất UPCoM với 3,38 triệu đơn vị và tăng trần 14,8% lên 13.200 đồng/cp.
Tính đến 10h30, sau giai đoạn đầu giao dịch sôi động, VN-Index chịu áp lực điều chỉnh và lùi về 1.272,34 điểm, tăng 2,73 điểm so với tham chiếu. Nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đà tăng của thị trường với 7 mã góp mặt trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index. Dẫn đầu là TCB, đóng góp hơn 1,1 điểm, theo sau là VCB, LPB, BID, MBB, HDB và VPB. Tổng cộng, nhóm này giúp chỉ số tăng thêm hơn 3,7 điểm.
Ngoài nhóm cổ phiếu lớn, một số mã khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. MSR tăng trần 15%, trong khi TCL cũng bật trần 7%. Ở chiều giảm điểm, top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực khiến VN-Index mất gần 1,5 điểm, trong đó VNM, FRT, FPT và MWG là những mã ảnh hưởng lớn nhất.
Xét theo nhóm ngành, dù chỉ tăng 0,67%, nhóm ngân hàng với vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Nhóm chứng khoán cũng khởi sắc với mức tăng 0,95%. Ngành có mức tăng mạnh nhất trong phiên sáng là phần cứng với mức tăng 2,57%, trong đó POT tăng 5,33%. Đứng thứ hai là nhóm đồ gia dụng và cá nhân, tăng 1,39%, nhờ động lực từ LIX (+0,32%) và NET (+2,84%).
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang duy trì trạng thái tích cực với 16 nhóm ngành tăng điểm, trong khi chỉ có 6 ngành giảm và 1 ngành đi ngang là bán dẫn.
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 5,66 điểm lên 1.275,27 điểm, HNX-Index tăng 1,13 điểm lên 229,11 điểm và UPCoM-Index nhích 0,49 điểm lên 96,39 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 69 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch hơn 1.500 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Sắc xanh lan tỏa trên thị trường, đặc biệt là nhóm ngân hàng với TCB tăng 3,04% lên mức 25.400 đồng/cp, vượt đỉnh 2 năm với gần 14 triệu đơn vị giao dịch, dẫn đầu toàn thị trường.
Các mã ngân hàng khác cũng tăng tích cực như MBB với mức tăng 1,33%, STB tăng 1,34%, TPB tăng 1,51%, CTG tăng 1,14%, BVB tăng 2,94%... Nhóm chứng khoán cũng diễn biến tích cực với VND tăng 1,61%, VCI tăng 0,44%, SSI tăng 0,6%...
Toàn thị trường ghi nhận 328 mã tăng giá, trong đó có 14 mã tăng trần, nổi bật là TCL tăng 7% và KSV tăng 10%. Ở chiều ngược lại, chỉ có 121 mã giảm, với duy nhất 1 mã giảm sàn.
Bên cạnh đó, nhóm vận tải biển cũng có mức tăng khả quan, nổi bật là VNA (+6,3%), PVP (+6,1%), PRT (+3,7%), MVN (+2,7%), VTO (+1%)... Chứng khoán Vietcap kỳ vọng giá cước thuê tàu chở dầu thô dự kiến sẽ tăng lên trong năm 2025 trước những tiềm ẩn về biến động địa chính trị.
Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản, thép, tiêu dùng, công nghệ - vận tải ghi nhận sự phân hóa rõ nét.
-----
Chứng khoán Việt Nam đang hưởng ứng xu hướng tích cực từ thị trường quốc tế. Các chỉ số lớn tại châu Á như Nikkei 225, Shanghai Composite, Singapore Straits Times đều tăng điểm.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số tiếp tục đi lên bất chấp áp lực từ báo cáo lợi nhuận của Alphabet và AMD. Kết phiên 5/2, Dow Jones tăng 317,24 điểm (+0,71%) lên 44.873,28 điểm, nhờ sự dẫn dắt của Nvidia. S&P 500 tăng 0,39% lên 6.061,48 điểm, trong khi Nasdaq Composite nhích 0,19% lên 19.692,33 điểm. Đây là phiên tăng thứ hai liên tiếp của Phố Wall, khi nhà đầu tư dần bỏ qua những lo ngại về căng thẳng thương mại trước đó.
Nhận định chứng khoán phiên 6/2: VN-Index có nhiều động lực đi lên Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng khi VN-Index tiến sát 1.270 điểm, nhưng khối ngoại vẫn bán ròng. Công ty chứng khoán ... |
Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh, nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục chi phối thị trường Chứng khoán Mỹ tăng điểm khi Nasdaq đạt gần 20.000, Dow Jones vọt lên 44.878 điểm nhờ Nvidia tăng mạnh. Fed giữ lập trường thận ... |
Rời HOSE, Garmex Sài Gòn (GMC) được định ngày lên UPCoM Garmex Sài Gòn (GMC) chính thức giao dịch trên UPCoM từ ngày 12/2/2025 sau khi bị hủy niêm yết trên HoSE do ngừng sản xuất ... |
Nguyên Nam