Chất “thép” của nữ doanh nhân

(Banker.vn) Lực lượng doanh nhân nữ đang từng bước khẳng định chỗ đứng và thành công trong nhiều lĩnh vực mà trước đây được xem là “độc tôn” của nam giới, trong đó có không ít người là những doanh nhân được biết đến bởi bản lĩnh, là nguồn động lực lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Doanh nhân Lý Kim Chi được biết đến với vai trò là Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm nay bà Lý Kim Chi đã dành rất nhiều tâm huyết để hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lương thực thực phẩm. Đến nay vai trò, vị thế của Hội Lương thực thực phẩm đã ngày càng được khẳng định đối với chính quyền, tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp ngành này. Đặc biệt, bà Lý Kim Chi còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp - một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực tại TP. Hồ Chí Minh.

Chất “thép” của nữ doanh nhân
Bà Lý Kim Chi (ngoài cùng bên phải) tái đắc cử Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018-2023

Bà Lý Kim Chi chia sẻ, hai năm qua, trước khó khăn chung do đại dịch Covid-19, các doanh nhân nữ làm lãnh đạo đã thận trọng, bền bỉ, kiên cường ứng phó với đại dịch, biến nguy thành cơ, linh hoạt chuyển đổi, từng bước đưa doanh nghiệp vượt khó. Minh chứng là các công ty của tôi cũng nằm trong vòng xoáy đó, mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh bị đảo lộn. Với vai trò là lãnh đạo chủ chốt tại nhiều công ty đang hoạt động thuộc lĩnh vực từ chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đầu tư tài chính, bất động sản, bản thân tôi đã dành nhiều tâm huyết và nỗ lực chèo lái, chỉ đạo tập trung toàn lực để xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, từng bước giảm thiểu các tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

“Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, tôi hầu như làm việc xuyên suốt toàn thời gian, công suất gấp đôi so với trước nhưng điều hạnh phúc nhất mà tôi có được đó chính là các công ty của tôi vẫn bảo đảm tốt nhất việc chăm lo sức khỏe cán bộ nhân viên, khách hàng. Toàn bộ nhân viên tại các công ty thành viên của tôi đều được hưởng lương, các chính sách thưởng cuối năm, thưởng Tết đầy đủ”- bà Lý Kim Chi bày tỏ.

Chất “thép” của nữ doanh nhân
Bà Trần Hoàng Phú Xuân (ngoài cùng bên phải) trao đổi tại tọa đàm "Chia sẻ - Đồng hành cùng khát vọng xanh - Thời trang bền vững" diễn ra hồi vào tháng 1/2022.

Trong khi đó, bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng giám đốc Công ty CP Kết Nối Thời Trang (Faslink) được biết đến là một trong những nữ doanh nhân thành công trong thị trường may mặc tại Việt Nam. Với kinh nghiệm hơn 12 năm làm trong lĩnh vực thời trang, bà Xuân cho rằng, những bộ quần áo không chỉ giúp người dùng trở nên tự tin hơn, khoẻ mạnh hơn mà còn thể hiện phong cách và lối sống của họ. Đây cũng là triết lý mà Faslink theo đuổi kể từ khi thành lập vào năm 2008 tới nay - đó là cung cấp nguyên liệu xanh, đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh. Theo đó Faslink đã nghiên cứu và đưa ra thị trường 6 loại sợi vải xanh có nguồn gốc từ tự nhiên như sợi tre, sợi công nghệ nano, sợi từ bã cafe, sợi sen, sợi vỏ hàu tái sinh, sợi bạc hà. Năm 2021 vừa qua, bất chấp khó khăn của đại dịch, Faslink vẫn ổn định hoạt động và cung ứng hơn 8 triệu mét vải nguyên liệu thành phẩm cho các thương hiệu nội địa, tăng trưởng 15 - 30% so với những năm trước đây.

“Thời trang xanh cũng đang dần trở nên một khái niệm quen thuộc trong các giải pháp tiêu dùng văn minh ngày nay. Do đó trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu công nghệ để tiếp tục tạo nên những sản phẩm khác biệt, mang giá trị xanh cho người dùng”- bà Trần Hoàng Phú Xuân nói.

Cũng trong lĩnh vực dệt may, Công ty sản xuất minh doanh VNS Việt Nam hiện là đối tác của nhiều thương hiệu lớn như Piere Cardin, N&M, Owen, Aristino, Oscar… Ngoài ra, VNS còn xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao đi nhiều nước Châu Âu, Nhật Bản… Năm vừa qua cũng như các ngành khác, VNS Việt Nam đã phải đối mặt với khó khăn bộn bề từ dịch bệnh. Tuy vậy dưới sự chèo lái của bà Ngô Thị Lương - Giám đốc điều hành, VNS Việt Nam đã vượt qua được khó khăn và đang trong giai đoạn khôi phục sản xuất.

Chất “thép” của nữ doanh nhân
Bà Ngô Thị Lương (áo đen) trao đổi với đối tác về chất liệu của sản phẩm

Để làm được điều này, trong thời điểm khó khăn nhất, bà Ngô Thị Lương đã chuyển hướng sang cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn 2 lớp, đồng thời tìm mọi cách trả đủ lương cơ bản cho nhân viên, giúp họ yên tâm chờ đợi và sẵn sàng làm việc khi dịch qua đi. “Bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế -xã hội, chính trị thế giới và khu vực vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm và sự chuẩn bị từ trước VNS sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ”- bà Ngô Thị Lương kỳ vọng.

Ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bà Lưu Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang là một nữ CEO nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ dám làm cùng tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động kinh doanh. Năm vừa qua, bà Lưu Thanh Mẫu đã vinh dự là một trong 60 gương mặt xuất sắc - đại diện cho các thế hệ nữ doanh nhân cả nước được tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông Hồng Vàng” năm 2021.

Chất “thép” của nữ doanh nhân
Bà Lưu Thanh Mẫu tạ lễ tôn vinh doanh nhân TP. Hồ Chí Minh tiêu biểu năm 2020

Bà Lưu Thanh Mẫu cho biết, bất kỳ bối cảnh nào cũng sẽ tồn tại 2 mặt “áp lực và động lực”. Điều cần thiết nhất là chúng ta phải nhìn nhận kịp thời những áp lực và chủ động chuyển biến những thách thức thành cơ hội phát triển. Bản thân Phúc Khang, ngay từ khi Covid-19 xảy ra đã tiến hành các vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp với 2 trọng tâm: Ưu tiên số một là đảm bảo sự an toàn sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Nhiệm vụ cấp bách thứ 2 là duy trì chiến lược phát triển bền vững hướng đến kinh tế xanh, tiến hành tái cấu trúc đảm bảo sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu trước đây, Phúc Khang tập trung phát triển và giới thiệu những sản phẩm lẻ ra thị trường thì khi dịch bệnh xảy ra đã chuyển hướng mô hình kinh doanh sang hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) với các đối tác nước ngoài. “Bước vào giai đoạn thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần có những chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới và Phúc Khang cũng không ngoại lệ. Chúng tôi cũng đã xác định những nhiệm vụ cần thiết và cấp bách để phục hồi kinh tế xanh giai đoạn hậu Covid-19, kích thích kinh tế phát triển bền vững, hội nhập quốc tế như chuyển đổi số, tái cấu trúc, áp dụng đổi mới và công nghệ…”- bà Lưu Thanh Mẫu cho hay.

Có thể nói, thương trường đã hun đúc cho doanh nhân nữ bản lĩnh vững vàng, năng động, sáng tạo và hình thành chất “thép” rất riêng của họ. Đó có thể là sự tinh tế và nhạy cảm với thị trường, sự tinh tế được thể hiện rõ nhất trong sự tương giao với các đối tác, biết đặt mình vào cương vị người khác cũng như linh hoạt, mềm mỏng trong ứng xử với cấp dưới để họ cống hiến tài năng cho doanh nghiệp.

Dương - Minh - Duyên

Theo: Báo Công Thương