Cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương
Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về điều chỉnh mức lương cơ sở, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp và chế độ tiền thưởng áp dụng đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ở xã, phường, thị trấn, ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Như vậy, so với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng thêm 68,3%) cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp
Về hoàn thiện chế độ nâng bậc lương, Chính phủ đã bổ sung quy định nâng lương vượt một bậc đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi cơ sở và người có phẩm chất, năng lực nổi trội có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Trung ương và địa phương sau thời gian 3 năm được cử tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Trung ương tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, cấp huyện được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đi tăng cường tại cơ sở.
Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, chức danh nghề nghiệp hiện hưởng thì được xếp lên 1 bậc trên liền kề bậc lương hiện hưởng.
Bên cạnh đó, giao cho người sử dụng xây dựng quy chế nâng bậc lương có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó có quy định nâng lương vượt một bậc đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi cơ sở và người có phẩm chất, năng lực nổi trội có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2024.
Đối tượng nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 (quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75/2024/NĐ-CP), sau khi điều chỉnh theo mức điều chỉnh chung nêu trên gồm: Những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng; những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo mức điều chỉnh đã quy định tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngay trong tháng 7/2024.
Cụ thể, 3.121.270 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, trong đó số người do ngân sách nhà nước bảo đảm là 852.820 người; số người do quỹ bảo hiểm bảo đảm là 2.268.450 người; hơn 190.000 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng.
Dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2024 là 16,786 nghìn tỷ đồng (trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là 3,597 nghìn tỷ đồng và từ quỹ bảo hiểm xã hội là 13,189 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.
Tạo động lực nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142 trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh |
Việc thống nhất, triển khai thực hiện cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các đối tượng hưởng lương hưu, góp phần ổn định xã hội.
Trên cơ sở Nghị quyết số 142 của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, làm cơ sở để triển khai thống nhất trong cả nước.
Bên cạnh đó, đã thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, nhận được sự đồng thuận cao ở các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội về cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, việc chi trả phần tăng thêm sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở (tăng lên 2.340.000 đồng) ở một số địa phương, cơ quan còn chậm. Một số nơi phải tạm ứng, “vay” từ nguồn khác để chi trả lương khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm 2024 kịp thời khiến người có công với cách mạng tâm tư, phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri.
Trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ tài chính có một số bất hợp lý phát sinh trong thực hiện chế độ tiền lương đối với một số đối tượng, ngành nghề (viên chức ngành giáo dục, y tế...), đề nghị có báo cáo rõ về kết quả giải quyết việc này.
Một số đơn vị chậm thực hiện chi trả theo chế độ tiền lương mới nên việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, một số đối tượng không phải là đối tượng thuộc khu vực công nhưng lại bị tác động bởi chính sách này (do ảnh hưởng của việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện).
Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương để triển khai triệt để định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội |