Bản tin tài chính - ngân hàng 26/11: Đồng USD suy yếu, Eximbank kiến nghị miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT

(Banker.vn) Những thông tin tài chính - ngân hàng đáng chú ý như: Tỷ giá USD giảm sau thông tin bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính Mỹ; Eximbank kiến nghị miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT; NHNN siết chặt bảo mật giao dịch trực tuyến với Thông tư 50. Basel III được dự thảo áp dụng tại Việt Nam; Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh; Bộ Tài chính đẩy nhanh tổng kiểm kê tài sản công; Bộ Tài chính bổ nhiệm nhân sự quản lý thuế, phí, lệ phí...

Đồng USD giảm giá sau thông tin bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính mới tại Mỹ: Trong phiên giao dịch ngày 26/11/2024, tỷ giá trung tâm VND/USD do Ngân hàng Nhà nước công bố giảm nhẹ 3 đồng xuống còn 24.292 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ở mức 23.400 đồng (mua vào) và 25.450 đồng (bán ra).

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, đo sức mạnh USD so với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,66%, còn 106,89 điểm. Sự sụt giảm này diễn ra sau thông tin Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Thị trường phản ứng tích cực với thông tin này, thể hiện qua việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 14 điểm cơ bản, kéo theo sự suy yếu của đồng bạc xanh.

>>> Xem chi tiết tại đây.

Nhóm cổ đông Eximbank kiến nghị miễn nhiệm thành viên HĐQT: Một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn tại Eximbank đã gửi kiến nghị miễn nhiệm hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú. Theo nhóm cổ đông, bà Tú đã không tham dự đầy đủ các cuộc họp và các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản, với tỷ lệ tham gia chỉ đạt 81% trong năm 2024. Đối với ông Nam, trong hai tháng qua, ông cũng không tham dự đầy đủ các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản, với tỷ lệ tham gia là 94,74%. Kiến nghị này sẽ được trình lên Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 28/11 để xem xét.

>>> Xem chi tiết tại đây.

Bà Lương Thị Cẩm Tú (thứ hai từ trái) và ông Nguyễn Hồ Nam (giữa) tại ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank. (Ảnh: EIB).
Bà Lương Thị Cẩm Tú (thứ hai từ trái) và ông Nguyễn Hồ Nam (giữa) tại ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank. (Ảnh: EIB).

NHNN siết chặt bảo mật giao dịch trực tuyến với Thông tư 50: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN (Thông tư 50) quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng. Thông tư trên hiệu lực kể từ đầu năm 2025. Trong đó, Khoản 3, Điều 17, Mục 4 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS, thư điện tử cho khách hàng có nội dung chứa đường dẫn liên kết (hyperlink) truy cập các trang tin điện tử, trừ trường hợp theo yêu cầu của khách hàng.

Quy định trên được ban hành trong bối cảnh nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Trong đó, các đối tượng thông qua các kênh truyền thông phổ biến như mạng xã hội (Facebook, Zalo…), SMS, email, điện thoại tìm cách để dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin bảo mật của ứng dụng ngân hàng điện tử (như: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…). Vì vậy, việc yêu cầu ngân hàng không được tự ý gửi tin nhắn, email chứa đường link có thể phần nào giúp khách hàng nhận diện được những tin nhắn lừa đảo.

NHNN lấy ý kiến dự thảo áp dụng Basel III: Basel III là một chuẩn mực quản trị rủi ro được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Đây cũng là mục tiêu mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng đến, nhằm cải thiện chất lượng vốn, năng lực thanh khoản, và khả năng phục hồi trước các biến cố tài chính.Nhiều ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã tham khảo và nghiên cứu việc áp dụng các quy định Basel III vào hoạt động quản trị rủi ro và điều hành. Vì vậy, việc ban hành thông tư mới không chỉ cập nhật các quy định hiện đại mà còn điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD
Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD

Dự thảo thông tư được xây dựng dựa trên nền tảng của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đồng thời cập nhật các quy định mới từ Basel III (ban hành năm 2017). Dự thảo yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức 10,5%, trong đó vốn lõi cấp 1 đạt 4,5%, vốn cấp 1 tối thiểu là 6%, và vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%. Dự thảo cũng linh hoạt trong việc áp dụng tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ, với mức dao động từ 0-2,5% tùy theo điều kiện kinh tế, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định. Việc triển khai Basel III được kỳ vọng tạo nền tảng pháp lý vững chắc, giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh, thúc đẩy tài chính toàn diện: Cuối năm 2023, tỷ lệ xã, thị trấn tại nông thôn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính đạt 32,98%, với mạng lưới ATM và POS phủ sóng toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng máy ATM và POS đang giảm do xu hướng chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt qua mã QR, với hơn 262 triệu giao dịch đạt giá trị 191,93 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và phát triển các sản phẩm tài chính nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, giúp người dân thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận tài chính thuận lợi hơn.

Lừa đảo tuyển dụng ngân hàng gia tăng tại Hà Nội: Công an Hà Nội cảnh báo về tình trạng lừa đảo giả danh ngân hàng để tuyển dụng nhân sự. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân tham gia "dự án ngân hàng", sau đó dẫn dụ đầu tư vào các dự án ảo để chiếm đoạt tài sản. Điển hình, chị Đ. tại quận Long Biên bị lừa gần 2 tỷ đồng sau khi đăng ký tuyển dụng qua mạng xã hội. Công an khuyến cáo người dân nên kiểm tra thông tin qua kênh chính thức và cảnh giác với các dự án đầu tư trực tuyến lãi suất cao.

Bộ Tài chính đẩy mạnh tổng kiểm kê tài sản công: Công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) trên toàn quốc và trong ngành Tài chính đã dần đi vào nề nếp, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng báo cáo chưa chính xác và việc cập nhật thông tin tài sản chưa đầy đủ vẫn còn tồn tại. Điều này ảnh hưởng đến việc theo dõi, quản lý và phản ánh đúng giá trị tài sản công. Một số đơn vị chưa kịp thời cập nhật thông tin về tài sản mới được trang bị hoặc đã xử lý, dẫn đến: Không đưa tài sản vào theo dõi sổ sách đúng thời điểm. Chưa phản ánh chính xác số lượng và giá trị tài sản thực tế.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính nhận định rằng, công tác tổng kiểm kê TSC trên phạm vi cả nước là một yêu cầu cấp bách, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tài sản công.

Việc tổng kiểm kê tài sản công được định hướng rõ ràng qua các nghị quyết và quyết định quan trọng: Nghị quyết số 39-NQ/TW (15/1/2019) của Bộ Chính trị xác định việc kiểm kê và đánh giá nguồn lực kinh tế là nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết số 74/2022/QH15 (15/11/2022) của Quốc hội yêu cầu hoàn thành tổng kiểm kê TSC trước năm 2025 nhằm thúc đẩy tiết kiệm và chống lãng phí. Quyết định số 213/QĐ-TTg (1/3/2024) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê TSC, bao gồm tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý.

Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kiểm kê do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi làm Trưởng ban. Kế hoạch kiểm kê TSC trong ngành Tài chính quy định rõ: Mục tiêu, phạm vi và đối tượng kiểm kê; Nguyên tắc và lộ trình thực hiện. Kết quả kiểm kê phải được gửi về Cục Quản lý công sản trước ngày 31/5/2025.

Bộ Tài chính bổ nhiệm nhân sự quản lý chính sách thuế, phí và lệ phí: Ngày 25/11/2024, Bộ Tài chính tổ chức Lễ Công bố, trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính điều động, bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho ông Lưu Đức Huy; điều động Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí - bà Nguyễn Thị Thanh Hằng nhận công tác tại Tổng cục Thuế.

Thứ trưởng Lê Tấn Cận cùng lãnh đạo 2 đơn vị chúc mừng 2 cán bộ nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: Đức Minh
Thứ trưởng Lê Tấn Cận cùng lãnh đạo 2 đơn vị chúc mừng 2 cán bộ nhận nhiệm vụ mới

Thay mặt Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đã trao Quyết định số 2756/QĐ-BTC về việc điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) kể từ ngày 20/11/2024. Giao nhiệm vụ cho ông Lưu Đức Huy, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị tân Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí chủ động, tích cực tham mưu giúp việc cho Cục trưởng xây dựng các chính sách thuế thông thoáng, để thu hút đầu tư, hài hòa với môi trường đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế.

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đã trao Quyết định số 2758/QĐ-BTC về việc điều động Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) - bà Nguyễn Thị Thanh Hằng nhận công tác tại Tổng cục Thuế, kể từ ngày 20/11/2024. Theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, với năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác của mình, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng bà Nguyễn Thị Thanh Hằng sẽ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm của mình trên cương vị mới do Lãnh đạo Tổng cục Thuế phân công, cùng tập thể Ban Lãnh đạo đơn vị mới sẽ thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao.

Bản tin tài chính - ngân hàng 25/11: NHNN tăng cường bảo mật, USD tăng mạnh ba tuần liên tiếp...

Những thông tin tài chính - ngân hàng đáng chú ý như: Vietcombank hỗ trợ cập nhật thông tin ngoài giờ hành chính. Eximbank ưu ...

Ngân hàng MB bất ngờ tăng lãi suất tiết kiệm lần 2 trong tháng 11

MB điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-18 tháng, tăng từ 0,05-0,1 điểm %, cao nhất 4,95%/năm. Kỳ hạn 24-60 tháng giữ nguyên ...

Lãi suất ngân hàng BIDV mới nhất cuối tháng 11: Gửi 300 triệu đồng nhận về bao nhiêu?

Cuối tháng 11 này, BIDV áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất 5,1%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng khi gửi online. Lãi suất tại ...

Hồng Quân

Hồng Quân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục