Xuất khẩu tăng trưởng mạnh ở nhiều nhóm hàng và thị trường

(Banker.vn) Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 373,36 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 185,33 tỷ USD, nhập khẩu 188,03 tỷ USD, nhập siêu 2,7 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng trưởng cao, nhập khẩu tập trung nguyên liệu sản xuất

Sau 7 tháng, cả nước đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Như vậy, riêng tháng 7 đã có thêm 2 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Hầu hết các nhóm hàng đều có sự tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong 7 tháng qua. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 1,87 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 164,89 tỷ USD, tăng 27,1%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 13,65 tỷ USD, tăng 16,7%. Nhóm hàng thủy sản đạt 4,92 tỷ USD, tăng 12%.

Xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 7 tháng đã ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tập trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên, nhiên, vật.

Với cơ cấu như vậy, cán cân thương mại trong tháng 7 tiếp tục ghi nhận nhập siêu ở mức 1,7 tỷ USD, lũy kế 7 tháng nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD).

Hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu

Xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Theo đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh. Đơn cử, với ngành nghề thủy sản, hiện nay vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất khẩu. Cùng với đó, vấn đề thẻ vàng IUU khiến xuất khẩu thủy sản sang EU - một trong những thị trường chủ lực của nước ta nửa cuối năm không thể duy trì tăng trưởng như nửa đầu năm.

Ở góc độ khác, hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng đang có nhiều thuận lợi. Đơn cử, ngày 24/7/2021, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, theo đó trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là tin vui bởi Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất của hàng Việt.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Ngoài ra, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập các thị trường mới. Đơn cử, nằm trong chuỗi nỗ lực phổ biến lợi ích của FTAs đến các doanh nghiệp và các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, Hội thảo “Hiểu về FTAs để tiếp cận thị trường EU và Vương quốc Anh – Những cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam” là sự kiện thứ ba Thương vụ Việt Nam tại Singapore tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore và các doanh nghiệp đa quốc gia đóng tại Singapore.Được tổ chức với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 28/8/2021 với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về FTAs của Việt Nam, Singapore và thế giới. Dự kiến ít nhất 200 doanh nghiệp của hai nước sẽ tham gia hội thảo và hoạt động kết nối giao thương sau Hội thảo.

Đồng thời, Bộ cũng ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch COVID-19; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu, từ đó khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó, có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển…

Phương Lan

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương