5 trọng tâm, 4 đột phá để phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững Sáp nhập tỉnh: Góc nhìn từ kinh tế biển Việt Nam tuân thủ Luật Biển để phát triển kinh tế biển bền vững |
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ, ngành về cơ chế điều phối liên ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển diễn ra sáng 28/5.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững kinh tế biển, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng và liên quốc gia - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững kinh tế biển, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng và liên quốc gia. Đây là nền tảng để quản lý, khai thác tổng hợp tài nguyên, giải quyết các xung đột và lựa chọn phương án tối ưu giữa các lĩnh vực phát triển trên biển.
Theo Phó Thủ tướng, chiến lược và quy hoạch là hai công cụ quan trọng trong điều phối liên ngành. Tuy nhiên, để giải bài toán phát triển đa ngành, đa lĩnh vực tại một vùng biển, nơi tiềm ẩn xung đột giữa hàng hải, điện gió, thủy sản, du lịch, dầu khí… thậm chí liên quan đến yếu tố quốc tế, thì cần bổ sung thêm những công cụ điều phối hữu hiệu khác.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải quyết xung đột phát triển, lựa chọn phương án dựa trên các tiêu chí trụ cột là hiệu quả môi trường, kinh tế và khả năng tạo việc làm…; nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ phân tích, đánh giá nhằm hỗ trợ quá trình lựa chọn phương án phát triển phù hợp ở những khu vực có nhiều tiềm năng, giải quyết tình huống xung đột liên ngành; cơ chế điều phối công tác điều tra, khảo sát tài nguyên môi trường biển phục vụ hoạt động triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế biển.
Chỉ rõ hai nội dung trọng tâm là xây dựng cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng, liên quốc gia và bảo đảm các điều kiện tài chính, tổ chức bộ máy, dữ liệu phục vụ cho cơ chế đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy chế, xác định phạm vi hoạt động của Ủy ban Quốc gia.
Trong đó, tập trung giải quyết các xung đột mang tính chất liên tỉnh, liên vùng hoặc liên quan tới dự án trọng điểm quốc gia, hoặc các vấn đề ở tầm quốc tế như thực hiện các thỏa thuận quốc tế, nghiên cứu khoa học biển, xử lý các sự cố môi trường mang yếu tố xuyên biên giới hoặc vượt quá năng lực của địa phương… Đồng thời, đề xuất cơ chế tài chính dành cho hoạt động điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và địa phương về tài nguyên môi trường biển.
Phó Thủ tướng lưu ý mối quan hệ chặt chẽ giữa tài nguyên môi trường biển và chiến lược phát triển kinh tế vùng, tỉnh. Nếu một chiến lược phát triển có nguy cơ ảnh hưởng đến không gian hoặc tài nguyên, môi trường biển, Ủy ban Quốc gia phải có ý kiến. Ví dụ về rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu, cần sự chỉ đạo xuyên suốt từ đất liền ra biển và phối hợp quốc tế.
Sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược), các ngành kinh tế biển chủ đạo như du lịch - dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, thủy sản, năng lượng tái tạo và một số ngành kinh tế biển mới đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Chiến lược vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Trong tổng số 169 đề án, dự án, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố có biển, đến nay mới chỉ có 35 nội dung đang được triển khai, tương đương 20,7%. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ và mục tiêu chung của Chiến lược biển quốc gia. |