Xác lập kỷ lục mới, ngành rau quả tăng trưởng trong khó khăn

(Banker.vn) Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn khi giá cước vận tải tăng cao, thời gian vận chuyển dài, song xuất khẩu rau quả vẫn liên tục tăng trưởng mạnh.
Mở rộng thị trường, xuất khẩu rau quả tiếp đà tăng cao Nhà mua hàng đổ về Việt Nam, nông sản đua nhau tăng giá Xuất khẩu sầu riêng sang Thái Lan tăng vọt

Liên tục có các đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, từ đầu năm doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu rau quả. Hiện doanh nghiệp đang tập trung cho xuất khẩu các sản phẩm như cà rốt, sầu riêng, dừa tươi… và nhiều sản phẩm rau củ sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Cả 2 thị trường trọng điểm của doanh nghiệp đều đang có sự tăng trưởng khá tốt. Mùa nào, rau quả đó, các sản phẩm được doanh nghiệp đẩy mạnh chào tới các khách hàng từ sản phẩm tươi đến chế biến sâu.

“Từ đầu năm, doanh nghiệp đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang làm việc, ký kết các hợp đồng các sản phẩm rau quả chế biến sâu, như chuối tẩm phủ các vị socola, matcha, vali…”, ông Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.

Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết, hiện doanh nghiệp cũng đang cùng các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp chuẩn bị đón “sóng” xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi khi thị trường chính thức mở cửa.

2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt con số xấp xỉ cả năm 2022
Xuất khẩu sầu riêng tiếp tục bứt phá trong năm 2024

Trong khi đó, nhờ mạnh dạn đầu tư kho lạnh, tăng cường khâu chế biến, nhiều đối tác từ châu Âu, Nhật Bản đã tìm đến Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến và đặt hàng. Ông Trịnh Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho biết, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm.

Theo ông Minh, các sản phẩm nông sản tươi, thời hạn sử dụng khá ngắn, do đó việc chế biến sâu giúp đưa sản phẩm tới những thị trường xa. Những sản phẩm xoài sơ chế cấp đông xuất khẩu đi châu Âu của doanh nghiệp có giá hơn 1,2 USD/kg. Đây là giải pháp vừa giải quyết hiệu quả đầu ra vừa nâng cao giá trị sản phẩm.

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu rau quả trong những tháng đầu năm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, lần đầu tiên ngay trong quý I, xuất khẩu rau quả đã vượt 1 tỷ USD và đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tiền đề còn cho thấy, xuất khẩu rau quả còn tiếp tục bứt phá và sẽ phá vỡ kỷ lục năm 2023.

"Đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là sầu riêng. Mặt hàng này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi Tây Nguyên - khu vực cung ứng sản lượng sầu riêng lớn lại nghịch vụ với Thái Lan vào vụ thu hoạch còn đang ở phía trước"- ông Nguyên chia sẻ.

Ông Đặng Phúc Nguyên thông tin thêm, với Nghị định thư đã được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng sẽ mang về 3,5 tỉ USD trong năm nay. Cùng với các mặt hàng chủ lực như: Dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài… xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ đạt giá trị cao kỷ lục từ trước đến nay.

Đặc biệt, mới đây Cục Bảo vệ thực vật vừa yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn địa phương rà soát, tổng hợp vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất sang Trung Quốc. Điều này đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng quả dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi Nghị định thư được ký kết.

Với những thuận lợi trên, các chuyên gia dự báo, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn cho mặt hàng rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và các khu vực lân cận tăng mạnh, nhất là đối với mặt hàng quả sầu riêng, dừa, thanh long, mít, chuối, xoài… Do vậy, xuất khẩu rau quả được dự báo sẽ tiếp tục bứt phá và phá vỡ kỷ lục năm 2023.

“Dự báo, năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng 15-20%. Thậm chí, nếu tận dụng tốt cơ hội từ các Nghị định thư mang lại, xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5-7 tỷ USD”, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương