VPBank hoàn tất tăng vốn lên hơn 79.000 tỷ đồng, bỏ xa nhóm Big4

(Banker.vn) Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) đã công bố nghị quyết sửa đổi vốn điều lệ sau đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Theo dó, VPBank đã cập nhật vốn điều lệ lên hơn 79.339 tỷ đồng kể từ ngày 24/10. Được biết, trước đó một ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã nhận được tài liệu báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày 20/10 của VPBank.

Cụ thể, ngày 20/10, ngân hàng đã phân phối 1,19 tỷ cổ phiếu cho đối tác chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với mức giá bình quân 30.159 đồng/cp. Sau chào bán cổ phiếu riêng lẻ, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại VPBank đạt 15,005%.

Như vậy, VPBank đã thu gần 35.900 tỷ đồng từ thương vụ này sau khi trừ đi chi phí 7,6 tỷ đồng. Với mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng, vốn điều lệ của ngân hàng được bổ sung thêm 11.900 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn điều lệ của VPBank cũng tăng nhẹ lên sau đợt chào bán hơn 30 triệu cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP).

VPBank hoàn tất tăng vốn lên hơn 79.000 tỷ đồng, bỏ xa nhóm Big4
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB)

Sau những đợt chào bán gần đây, vốn điều lệ VPBank tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu toàn ngành ngân hàng, bỏ khá xa các đại diện còn lại của Big4. Ngay cả khi Vietcombank, thành viên có kế hoạch tăng vốn tham vọng nhất trong Big4, cũng mới chỉ dự định nâng vốn điều lệ lên hơn 75.000 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong nhóm Big4 là Vietcombank, đạt gần 55.900 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của VPBank, theo dữ liệu tài chính quý 3/2023, Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần kỳ này đạt 8.837 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 3.117 tỷ đồng và 2.427 tỷ đồng, giảm 31%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 8.279 tỷ đồng và 6.530 tỷ đồng.

Theo báo cáo, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý III tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tại ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6,9% tới cuối tháng 9.

Đặc biệt, tín dụng trong quý III đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng,… với khối chiến lược Khách hàng cá nhân (KHCN) và SME đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank, giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn.

Dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân, trong đó, ghi nhận tăng trưởng 19% so với đầu năm đạt hơn 230.000 tỷ đồng, nhờ chiến lược đa phân khúc đón đầu xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2023. Số liệu thống kê trong quý III đã cho thấy các dấu hiệu khởi sắc với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng trưởng 9.7% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở chiều thanh khoản, huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ trong quý III tiếp nối nhịp tăng ổn định từ các quý trước, bỏ xa mức trung bình ngành 5,9% để chạm mức tăng gần 35% so với đầu năm. Trong đó, riêng khối khách hàng cá nhân tăng trưởng ấn tượng 60% so với đầu năm, nhờ chiến lược thu hút khách hàng bài bản và chuyên biệt.

Nền tảng vốn của ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng cường sau thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược SMBC, với vốn chủ sở hữu của VPBank tăng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn hệ thống. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ cán mốc gần 19% – dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức này đánh giá.

VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ trong quý III/2023 đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế VPBank riêng lẻ đạt 10.973 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, FE Credit - cánh tay tài chính tiêu dùng nối dài của VPBank bắt đầu có lợi nhuận trở lại. theo đó, FE Credit đã bắt đầu ghi nhận các khoản lỗ giảm dần và lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý III.

Bên cạnh đó, VPBankS – công ty chứng khoán mang sứ mệnh khai phá mảng ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản và OPES – công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong hệ sinh thái của VPBank tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của ngân hàng trong quý III. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của 2 công ty con cùng ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 12.000 tỷ đồng – bám sát kế hoạch đặt ra cho quý III, mặc dù thị trường vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn trong giai đoạn nền kinh tế dò đường tìm lại đà tăng trưởng.

Lộ diện nhiều “điểm mờ” sau KQKD quý III của Ngân hàng Bản Việt (BVB)

Quý III/2023, dù cắt giảm tới 29% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng do kinh doanh sa sút, Bản Việt ghi nhận ...

TPBank: Nợ xấu vọt tăng gấp 4 lần, lợi nhuận lao dốc 26% trong quý III

Kết thúc quý III/2023, TPBank ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm với lợi nhuận giảm tới 26%. Thêm vào đó, nợ xấu vọt ...

Thùy Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán