Vi phạm về thuế, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) nhận “tráp” phạt gần 400 triệu đồng

(Banker.vn) Mới đây, Cục trưởng Cục thuế An Giang vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế đối với Công ty CP Nam Việt (HOSE: ANV).
Thủy Sản Nam Việt sắp chi hơn 132 tỷ đồng trả cổ tức năm 2021
Thủy Sản Nam Việt bị xử phạt

Theo đó, Thuỷ sản Nam Việt đã có hành vi khai sai kỳ kê khai thuế đối với hoá đơn đầu vào làm tăng số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ; kê khai không đúng kỳ đối với doanh thu xuất khẩu, làm tăng số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ; và lập hoá đơn giá trị gia tăng điện tử cho hàng xuất khẩu không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế.

Căn cứ quy định, Thuỷ sản Nam Việt bị phạt 10,5 triệu đồng. Ngoài ra, "vua cá tra" phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là kê khai điều chỉnh tăng thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền 380,3 triệu đồng.

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Thuỷ sản Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.099 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 7%, lên mức 1.014 tỷ đồng đã “bào mòn” doanh thu. Lợi nhuận gộp theo đó chỉ đạt gần 85 tỷ đồng, sụt giảm 70% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 23% xuống chỉ còn 7,6%.

Quý III/2023, doanh thu tài chính của Nam Việt cũng giảm mạnh, ở mức 47%, đạt hơn 8 tỷ đồng.

Điểm sáng trong kỳ là chi phí được tiết giảm mạnh mẽ. Trong đó, chi phí bán hàng giảm mạnh nhất, ở mức 61%, xuống còn gần 38 tỷ đồng. Theo sau là chi phí tài chính giảm 27%, còn 36 tỷ đồng; còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24%, còn 16 tỷ đồng.

Dù vậy, những chi phí này vẫn neo cao, “ngốn” gần hết lợi nhuận gộp. Kết quả, Nam Việt lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, giảm 99% so với khoản lãi 120 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với khoản lỗ 51 tỷ đồng ghi nhận trong quý II thì kết quả này đã khởi sắc hơn nhiều.

Giải trình về kết quả kinh doanh sa sút, Nam Việt cho hay, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát kéo dài và giá bán chưa hồi phục.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 3.328 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 63 tỷ đồng và 42 tỷ đồng, tương ứng các mức giảm 90% và 93% so với cùng kỳ.

Như vậy, so với mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng mà ĐHĐCĐ đặt ra, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Nam Việt mới thực hiện được 62% mục tiêu doanh thu và 21% mục tiêu lợi nhuận. Khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm dường như đang ngày càng xa tầm với của “vua cá tra”.

Tính đến ngày 30/09/2023, tổng tài sản của Nam Việt đạt gần 5.360 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 46% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp với giá trị cuối kỳ đạt 2.448 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Số tiền này tập trung chủ yếu ở chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, nguyên vật liệu và thành phẩm. Bên cạnh đó, Nam Việt cũng dự phòng hơn 11,2 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho. Một phần hàng tồn kho có trị giá gần 360 tỷ đồng đang được công ty thế chấp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).

Về tiền mặt, tính đến cuối kỳ, lượng tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp đạt gần 30 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm.

Trong kỳ, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh 48%, xuống còn 186 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 12 tháng tại các ngân hàng. Theo thuyết minh của Nam Việt, khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trị giá hơn 185 tỷ đồng đã được thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn tại Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, Ngân hàng TNHH MTV Woori Việt Nam, Ngân hàng United Overseas Bank, Ngân hàng Malâyn Banking Berhad, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam, Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam và thực hiện hợp đồng với Điện Lực Châu Phú.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, nợ phải trả của Nam Việt đạt 2.376 tỷ đồng, giảm được hơn 8% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm tới 83%, ghi nhận ở mức 1966 tỷ đồng, bao gồm 1781 tỷ đồng tiền nợ vay ngắn hạn còn 1.780,5 tỷ đồng và 185,2 tỷ đồng tiền nợ dài hạn.

Thuỷ sản Nam Việt (ANV) sắp chi hơn trăm tỷ đồng trả cổ tức 2022

Thuỷ sản Nam Việt là đơn vị có truyền thống trả cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2020, 2021 tỷ lệ cổ tức công ty ...

Chi phí đầu vào cao, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) báo lãi “còi”

Quý III/2023, lợi nhuận của “vua cá tra” Nam Việt “bốc hơi” gần hết, chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so ...

Doanh nghiệp tuần qua: Trái chiều bức tranh lợi nhuận của các ông lớn

Những ngày cuối cùng của tháng 10, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành đã dần lộ diện. Trong khi một số ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán