VDSC: Lợi nhuận hợp nhất năm 2022 của VPBank dự kiến đạt 21.874 tỷ đồng

(Banker.vn) Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng trong năm 2022, thu nhập từ đầu tư chứng khoán sẽ không còn đóng vai trò là động lực tăng trưởng của ngân hàng, do đó có thể giảm 46% so với cùng kỳ.

Mảng chứng khoán đầu tư từng mang về cho VPBank hơn 2.300 tỷ đồng lãi thuần trong 9 tháng đầu năm, cao nhất trong số 28 ngân hàng khảo sát và gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chuyên gia của VDSC đánh giá thu nhập dịch vụ của ngân hàng sẽ phục hồi, tăng 28% so với cùng kỳ, đồng thời tỷ lệ chi phí tín dụng sẽ cải thiện về 5%.

Lợi nhuận hợp nhất năm 2022 dự kiến đạt 21.874 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ), trong đó lợi nhuận trước thuế của FE Credit là 2.518 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ.

Chi phí vốn thấp dự báo tiếp tục là một yếu tố quan trọng thúc đẩy thu nhập lãi thuần. Kết hợp với sự phục hồi trong hoạt động cho vay và thu nợ, các chuyên gia cho rằng NIM có thể tăng 0,51 điểm % lên 8,7%.

Tín dụng dự kiến tăng 20% tại ngân hàng mẹ và 8% tại FE Credit, với giả định không có giãn cách xã hội quy mô lớn như trong quý III/2021.

Những yếu tố sẽ làm NIM phục hồi trong các quý tới

Các chuyên gia cho rằng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và người lao động thu nhập thấp sẽ phục hồi chậm hơn so với các nhóm khác, dẫn đến các điều chỉnh về NIM và chi phí tín dụng ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit.

Song, các yếu tố mới có thể giúp ngân hàng mẹ phục hồi biên NIM trong các quý tới, bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn 50% tại FE Credit, ước tính 26.000 tỷ đồng sau thuế, sẽ được ghi nhận vào quý IV/2021.

Ngoài ra còn có khoản cho vay hợp vốn ưu đãi tổng trị giá 300 triệu USD mà VPBank nhận được trong tháng 10/2021 trong khi 300 triệu USD trái phiếu quốc tế của chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) phát hành năm 2019 với lãi suất 6,25%/năm sẽ đáo hạn vào năm 2022.

Theo đó, NIM hợp nhất dự báo đạt 8,2% vào cuối năm 2021, thấp hơn mức 8,4% trong quý III do tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ cao hơn so với FE Credit trong quý IV.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 dự kiến đạt 17.181 tỷ đồng, tăng 32% so với vùng kỳ. Trong đó lợi nhuận trước thuế của FE Credit là 1.136 tỷ đồng, giảm 69% so với cuối năm 2020.

Theo VDSC, tỷ lệ chuyển nhóm nợ tại ngân hàng mẹ và FE Credit có dấu hiệu phục hồi kể từ tháng 9, sau khi Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch được ban hành và trạng thái “bình thường mới” từ tháng 10. Do đó, tỷ lệ chi phí tín dụng dự kiến cho năm 2021 là 5,4%.

Các yếu tố khác có khả năng hỗ trợ tích cực cho việc định giá cổ phiếu bao gồm vốn nhận được từ đợt phát hành riêng lẻ 15% cho đối tác chiến lược và hoa hồng cao hơn từ việc đàm phán lại hợp đồng phân phối bảo hiểm của VPBank với AIA.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán