Thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể

(Banker.vn) Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 sẽ thúc đẩy hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Nâng cao quyền năng kinh tế giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có được tiếng nói Phát động cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023

Hội nghị khởi động Đề án số 01 của Chính phủ về "Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" đã diễn ra sáng nay (17/3), tại Hà Nội.

Thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cùng Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga và các đại biểu tham quan triển lãm của phụ nữ khởi nghiệp

Đề án số 01 của Chính phủ về "Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023 - là đề án đầu tiên về phát triển kinh tế tập thể với đặc thù riêng cho giới nữ mà Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vinh dự được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện.

Theo mục tiêu Đề án số 01, đến năm 2025, củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 hợp tác xã (HTX), 5.000 tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành đã được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 15.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 40.000 lao động nữ trong THT. Đến năm 2030, củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 HTX, 10.000 THT được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 100.000 lao động nữ trong THT.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, việc phê duyệt Đề án 01 ngay từ ngày đầu tiên của năm 2023 là niềm vui lớn đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là cơ sở quan trọng để phát huy vai trò của phụ nữ cả nước trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và tạo việc làm cho người lao động trong thời gian tới.

Đặc biệt, Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" của Chính phủ với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là căn cứ quan trọng để Hội cùng các ngành, các cấp thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Cũng theo bà Hà Thị Nga, các đề án của Chính phủ đã, đang và bắt đầu triển khai chính là điều kiện quan trọng để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt nhất chức năng "Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ", góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho hội viên, phụ nữ cả nước tham gia phong trào sáng tạo khởi nghiệp, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sự chủ động, bài bản của Trung ương Hội đã phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Đề án và tổ chức triển khai sớm đưa Đề án được thực hiện sâu rộng tại các địa phương. Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu rõ, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta với quan điểm coi kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, đặc biệt là chương trình OCOP...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền địa phương. Trong đó, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện hai Đề án của Chính phủ, đó là: Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939) và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01).

Các đề án của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế.

Đồng thời, thông qua phát triển kinh tế, có tác động tích cực vào sự ổn định xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như: Xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Đây là những yếu tố xã hội cần thiết cho sự phát triển ổn định và bền vững của mỗi quốc gia, mà phụ nữ với thiên chức người mẹ, người vợ, có vai trò rất quan trọng.

"Chính vì vậy, việc triển khai các Đề án 01, Đề án 939 không chỉ là nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay gánh vác, tham gia"- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai thực hiện Đề án 01

Từ kinh nghiệm đã có trong triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với những nỗ lực và quyết tâm, sáng tạo hơn nữa, sẽ chủ trì triển khai thành công Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".

Trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng đề nghị cần quán triệt nhận thức: Phát triển Hợp tác xã không phải là nhiệm vụ mới, nhưng phải luôn trăn trở, tư duy, đổi mới phương thức, cách làm, làm sao để nhiệm vụ không mới nhưng luôn có sức sống mới, cách làm mới, có bước phát triển mới.

Cùng với đó, bám sát các quan điểm, mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030, lấy phụ nữ, người dân tham gia Hợp tác xã là trung tâm; chú trọng phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và của toàn xã hội, lồng ghép nguồn lực thực hiện Đề án từ Các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nêu rõ, các hoạt động hỗ trợ cụ thể cần kịp thời, nhạy bén, có trọng tâm, trong điểm, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết trong các tổ chức kinh tế tập thể và giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác.

Để sớm đưa Đề án 01 đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị cần triển khai một số nhiệm vụ, công việc trọng tâm trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Cụ thể, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, triển khai kế hoạch thực hiện đề án theo từng giai đoạn và hàng năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát các định hướng, chủ trương của Đảng về hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt quan tâm mục tiêu "xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực" trong hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương, cần dự kiến bố trí ngân sách trung hạn và hàng năm để thực hiện Đề án 01, lưu ý bổ sung ngân sách để các cấp Hội, các Bộ, ngành triển khai những nhiệm vụ ban đầu của Đề án trong năm 2023.

Các Bộ, cơ quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành được yêu cầu quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể...

Trong quá trình thực hiện, Phó Thủ tưởng đề nghị nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương hướng xử lý.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề án triển khai Đề án 01, thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án, đề nghị các địa phương cố gắng ban hành trước tháng 5/2023.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương