Ông Trần Dũng, Chủ tịch UBCK Nhà nước:
Ông Trần Dũng, Chủ tịch UBCK Nhà nước
TTCK chịu ảnh hưởng và hưởng lợi rất nhiều từ chính sách của Đảng và Chính phủ, chúng ta nhìn thấy dấu ấn nổi bật trong 20 năm thị trường chứng khoán và chắc chắn có chiến lược mới ban hành trong năm 2021. Luật Chứng khoán đã hiệu lực từ ngày 1/1/2021, các văn bản hướng dẫn có thể chậm một chút nhưng không ảnh hưởng tới các chính sách thực hiện trong năm 2021, chúng ta nhìn thấy trước một Sở GDCK Việt Nam sẽ được hình thành và bắt đầu sự chuẩn bị, kế hoạch, phân định lại thị trường theo hướng, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh tập trung thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, Sở GDCK Hà Nội tập trung vào trái phiếu trong đó có cả trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán phái sinh. Đây là những việc lớn sẽ được hiện thực hóa trong năm 2021. Đó cũng là niềm tin của chúng tôi tin rằng cùng với sự ổn định và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thì thị trường chứng khoán sẽ có bước phát triển bền vững trong năm 2021.
TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN
TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Thị trường tăng trưởng nóng, có yếu tố thực
Chúng ta đã từng trải qua thời kỳ bong bóng trên thị trường chứng khoán. Do đó có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề bất động sản, tài chính và đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt vì tình trạng phát triển nóng của thị trường có thể dẫn đến đổ vỡ và ảnh hưởng toàn bộ hệ thống của nền kinh tế.
Cá nhân tôi cho rằng đánh giá giữa kinh tế thực và kinh tế ảo cần có sự xem xét khách quan. Chúng ta thấy thị trường đã xuống khá sâu từ năm 2019 và giai đoạn đầu COVID-19; cùng với dòng vốn rẻ tương đối dễ dàng và tình trạng thiếu hụt kênh đầu tư thì sự phục hồi của thị trường chứng khoán là bình thường. Chúng ta chưa nên vội vã cho đó là bong bóng, chưa nên vội vã đưa ra các giải pháp hành chính. Chúng ta nên xem xét đánh giá, thống kê các dòng tiền vào thị trường từ dòng tiền margin, ngân hàng, đầu tư nước ngoài để có nhìn nhận chính xác hơn.
Chúng ta cần đánh giá lại nền kinh tế thực của Việt Nam. Trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay và chúng ta vẫn tăng trưởng dương, xuất khẩu kỷ lục, giá đồng tiền tương đối ổn định tạo thuận lợi cho hồi phục thị trường chứng khoán. Đặc biệt tính năng động thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam, cùng với những thành quả của nền kinh tế từ vài năm qua từ việc nợ công giảm dần, xử lý nợ xấu, ổn định tỷ giá, dự trữ gia tăng, kinh tế các dn phát triển, huy động vốn phát triển tích cực, kết nối kinh tế toàn cầu. Đó là những yếu tố tạo nên hỗ trợ cho sự hồi phục, có yếu tố thực.
Do đó, tôi cho là không nên giám sát chặt mà nên duy trì chính sách dòng tiền vào chứng khoán như trước, không nên chặt hơn, không dễ dàng hơn để tiếp tục theo dõi.
Dòng vốn rẻ tiếp tục vào thị trường đến giữa năm 2021
Với tình hình thị trường hiện nay, nền kinh tế tăng trưởng dương, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, lãi suất giảm xuống, dòng vốn nước ngoài có sự chuyển dịch, đặc biệt chính sách của Chính phủ hướng vào cầu nội địa là hướng đi đúng, rất quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán. Ngoài ra, các chinh sách thúc đẩy đầu tư công, dòng tiền ngân hàng đã giúp hồi phục chặn đà suy giảm kinh tế tác động đến thị trường vốn.
Bên cạnh đó, giảm thiểu thủ tục hành chính, đổi mới môi trường dầu tư kinh doanh xây dựng chính phủ điện tử có những bước tích cực thu hút dòng vốn trong và ngoài nước. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới sáng tạo để tăng suất lao động, phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khá chủ động và Chính phủ có chương trình kế hoạch tổng thể quốc gia về đổi mới sáng tạo và tăng năng suất có giải pháp có văn bản…
Tôi nghĩ là sang năm 2021 chắc chắn chúng ta còn dư địa phát triển tốt hơn với việc ứng phó tốt với dịch bệnh COVID-19 và tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, chắc còn có khó khăn, vắc xin là tín hiệu rất tốt và tạo điều kiện thị trường phát triển phục hồi kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
Tôi đánh giá dòng vốn rẻ quốc tế còn tiếp tục vào đến giữa năm sau, đây là sự hỗ trợ cho sức cầu và phát triển thị trường.
Nhưng có điểm lưu ý khi kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt tơn thì sẽ các gói cứu trợ sẽ giảm dần; với tiền rẻ thì nợ công, nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp sẽ gia tăng. Khi giảm các gói hỗ trợ giảm bộc lộ nợ xấu, mặt bằng lãi suất thay đổi thì dòng tiền có thể quay đầu. Các nhà đầu tư sử dụng các đòn bẩy tài chính hết sức cẩn trọng trong thời gian tới.
Dòng vốn nước ngoài theo tôi không nên có giải pháp can thiệp vào mà sử dụng công cụ gián tiếp. Tôi cho là không nên có giải pháp hành chính, chúng ta nên hoan nghênh dòng vốn đó và xử lý thông qua cung cầu.
Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE):
Trong năm 2021, Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực, cùng với đó là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới. Việc ban hành đồng bộ nhiều luật mới liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, chứng khoán được kỳ vọng có sự tháo gỡ liên quan giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong nhiều dịp, chúng tôi có cơ hội trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài thì thực tế là họ không quá quan tâm đến tỷ lệ room, không quá quan tâm đến việc họp ĐHCĐ, quyền biểu quyết. Trên thế giới, ngay cả những thị trường rất phát triển như Nhật Bản vẫn có ngành nghề lĩnh vực hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cơ hội sinh lời từ cổ phiếu, ngay cả khi hết room thì họ vẫn có thể giao dịch, mua bán thu được lợi nhuận. Quan trọng là cơ hội sinh lời.
Chúng ta cũng nói nhiều đến việc nâng hạng thị trường, khi thị trường được nâng hạng thì có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại. Nhưng vấn đề là thị trường của chúng ta có gì để thu hút? Nếu VN30 đều hết room ngoại thì tiếp theo nhà đầu tư nước ngoài mua gì? Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm, cần tạo ra sản phẩm tài chính để nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể tham gia ngay cả khi hết room. Một trong những sản phẩm như vậy là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết mà Luật Chứng khoán mới đã quy định. Đây là lời giải cho vấn đề thu hút dòng vốn ngoại.
Ông Nhữ Đình Hoà, Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt
Khi dịch COVID-19 mới xuất hiện đầu năm 2020, chúng ta thấy có nhiều sự lo ngại khi thị trường đi xuống, thậm chí thị trường giảm khoảng 30%. Lúc đó, UBCK đã có những động thái kịp thời và các công ty chứng khoán cũng có đưa ra các giải pháp. Thời điểm đó, không ai nghĩ thị trường có sự thăng hoa như thế này vào cuối năm.
Chúng ta thấy sự xuất hiện của tiền rẻ vào thị trường chứng khoán và đây là quy luật thông thường, lĩnh vực nào có lợi nhuận thì dòng vốn chuyển về đó. Các nguồn tiền vào thị trường chứng khoán do lãi suất ngân hàng hạ, ngoài ra chúng ta còn thu hút được dòng vốn từ quỹ ETF, dòng vốn từ công ty chứng khoán khối ngoại chuyển vào. Câu chuyện ở thị trường chứng khoán Việt Nam không có gì khác lạ với các thị trường chứng khoán nước ngoài. Các thị trường chứng khoán nước ngoài cũng có sự tăng trưởng dù chịu tác động của COVID-19 và nền kinh tế khó khăn.
Một điểm đáng lưu ý, dư nợ margin tính đến cuối quý III/2020 khoảng trên 10.000 tỷ đồng trong đó từ các công ty chứng khoán khối ngoại chiếm khoảng 20% - 25% dư nợ toàn thị trường. Trong tương lai ngắn hạn 3 - 6 tháng tới khi Việt Nam tiếp tục chịu áp lực phải nâng giá đồng nội tệ, xu hướng này tạo sự hấp dẫn cho dòng vốn ngắn hạn từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) - đây là các thị trường có lượng tiền vào thị trường Việt Nam nhiều nhất. Điều này có điểm lợi cho nhà đầu tư là có thể vay margin với giá khá rẻ. Và nó cũng đem lại sự cạnh trạnh giữa các công ty chứng khoán nội và ngoại. Tuy nhiên, chuyện này đặt ra vấn đề quản lý nhà nước, chúng ta cần xem xét luồng tiền vào dễ có ảnh hưởng gì đến sự ổn định bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam? Đây là vấn đề cần quan tâm nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong 6 tháng tới.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
|
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|