Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới

(Banker.vn) Ngày 18/10/2023, tại Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới”.
Ngày 18/10/2023, tại Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới”.

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam; ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam; bà Wee Sung San Michele, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam; bà Sarah Tiwgg, Trưởng nhóm Giới và kinh tế bao trùm, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC); các đại biểu đại diện Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Công tác đại biểu Quốc hội và người đứng đầu, Lãnh đạo nữ các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam khẳng định, đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản đạt được các mục tiêu chính của Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung cũng đã và đang nỗ lực để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường cấp tín dụng cho đối tượng khách hàng là phụ nữ.

 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam nói riêng và các đối tượng yếu thế nói chung. Ngành Ngân hàng đã ban hành các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phụ nữ, đối tượng yếu thế phát triển kinh tế. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực mở rộng các dự án hợp tác/hỗ trợ quốc tế để tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt, NHNN đã tăng cường các hoạt động phối hợp với các cơ quan trong nước, từ Trung ương đến địa phương, tiêu biểu phải kể đến sự phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… để tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Sự đóng góp đặc biệt quan trọng của nữ cán bộ đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử, ở tất cả các vị trí công tác từ quản lí nhà nước, tham mưu hoạch định chính sách đến các vị trí kinh doanh, tác nghiệp tại hệ thống các NHTM đều có sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ nữ. Mặc dù mỗi lĩnh vực đều có những thuận lợi và không ít khó khăn nhưng cán bộ nữ ngành Ngân hàng đã tự tin khẳng định và phát huy hết khả năng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của từng đơn vị và toàn ngành Ngân hàng. Những thành công trong thời gian qua là sự khích lệ, động viên to lớn trong thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới của ngành Ngân hàng; qua đó cán bộ nữ ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Hội thảo là sự kiện quan trọng, thu hút được sự tham gia của các diễn giả có uy tín cao, là đại sứ của các quốc gia có thành tích về bình đẳng giới, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong ngành Ngân hàng về bình đẳng giới thông qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về đa dạng, hòa nhập, bình đẳng giới; ghi nhận những thành tựu đã đạt được về bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng; nhận diện những khó khăn, thách thức của phụ nữ ngân hàng để các cơ quan, đơn vị trong Ngành quan tâm, có những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ nữ phát triển.

 

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày tham luận với chủ đề: “Đa dạng và hòa nhập, góc nhìn bình đẳng giới từ Việt Nam”. Theo đó, một số thành tựu về bình đẳng giới Việt Nam thời gian qua có thể kể như tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây; 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 46,6%; có ba nữ Bộ trưởng, một nữ Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, 13 nữ Thứ trưởng và tương đương. Đặc biệt, kể từ năm 2014, NHNN có 01 Lãnh đạo ngành là nữ, chiếm tỉ lệ 20% trong Ban Lãnh đạo NHNN. Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 (Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022), chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đã tăng 11 bậc so với năm 2022, ở vị trí 72/146 quốc gia. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của Việt Nam, được quốc tế ghi nhận. Nữ cán bộ ngân hàng chiếm 59% lực lượng lao động của Ngành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ của Ngành, kiểm soát tốt lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong tham luận của mình, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị NHNN tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác về bình đẳng giới, tổ chức các diễn đàn, hội thảo thường niên, chia sẻ góc nhìn toàn cầu về phụ nữ, bình đẳng giới và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, giúp các bên cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và bài học về thúc đẩy sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập.
 

Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Tại Hội thảo, hai đại sứ của Vương quốc Anh và Singapore chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề đa dạng và hòa nhập, trong đó có tập trung vấn đề bình đẳng giới. Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam trình bày bài diễn thuyết với chủ đề: “Đa dạng và hòa nhập: Góc nhìn từ Vương quốc Anh”. Theo đó, 35% quản lí cấp cao hàng đầu trong ngành Ngân hàng tại Vương quốc Anh là phụ nữ. Từ năm 2016 đến 2021: 14% đến 22% phụ nữ tham gia ban điều hành; 23% đến 32% tham gia. Trên cơ sở đó, ông đã nêu ra một số bài học từ kinh nghiệm từ Vương quốc Anh trong quá trình triển khai công tác bình đẳng giới.

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm “Đa dạng và hòa nhập: Góc nhìn từ Singapore”. Theo ông, từ sau đại dịch Covid-19, sự tham gia của phụ nữ vào thị trường việc làm đã được ghi nhận tăng rõ rệt. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều phụ nữ muốn kiểm soát tương lai tài chính của mình hơn bao giờ hết. Do đó, cần có một hệ thống tài chính toàn diện và đa dạng hơn bởi vì phụ nữ ngày càng kiểm soát nhiều hơn sự giàu có của thế giới. Động lực trao quyền tài chính cho nữ giới đang gia tăng, khi ngày càng có nhiều phụ nữ nắm quyền kiểm soát tài chính của mình.

 


Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam
trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham luận tại Hội thảo với chủ đề: “Ngành Ngân hàng hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, ngành Ngân hàng hiện có 320.000 cán bộ, trong đó có 190.000 là cán bộ nữ, tương đương 59%. Những đặc tính về giới của phụ nữ như tỉ mỉ, chính xác, kiên trì, thận trọng rất phù hợp với yêu cầu của ngành Ngân hàng. Ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới và đang tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp Vì sự tiến bộ của phụ nữ; đã tham mưu chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế trong đó phụ nữ như: Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. NHNN phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) triển khai tín dụng chính sách xã hội hướng đến nhóm đối tượng khách hàng nữ; NHCSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để truyền tải vốn tín dụng thông qua hoạt động của các tổ vay vốn...

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham luận tại Hội thảo
với chủ đề: “Ngành Ngân hàng hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”
 
Hướng tới tương lai, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, các mục tiêu có những thách thức nhất định như: Với vai trò cơ quan quản lí nhà nước thì đối tượng quản lí và khối lượng công việc của NHNN tăng trưởng ở quy mô lớn, mức độ phức tạp cao. Với vai trò là Ngân hàng Trung ương, NHNN đã và đang phải đối mặt với tất cả những khó khăn, thách thức điển hình của một Ngân hàng Trung ương tại các nước phát triển. Đặc biệt, với hệ thống NHTM vừa phải đảm bảo an toàn và kinh doanh sinh lời đồng thời cũng cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lí. Trong khi đó, các chỉ tiêu quan trọng như tỉ lệ tín dụng/GDP và tín dụng/huy động vốn đã và đang ở mức cảnh báo. Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu cao về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Phụ nữ ngành Ngân hàng có trọng trách cùng chung tay đối mặt và từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức.

Cũng tại Hội thảo, Lãnh đạo các NHTM, tổ chức tài chính quốc tế có những chia sẻ từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.

Bà Wee Sung San Michele, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp tăng cường sự tham gia của nữ giới tại ngân hàng nước ngoài. Standard Chartered Việt Nam là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đạt được chứng nhận uy tín về công bằng, đa dạng và bình đẳng giới (Chứng nhận EDGE là phương pháp đánh giá toàn cầu hàng đầu và tiêu chuẩn chứng nhận kinh doanh về bình đẳng giới, đo lường sự cân bằng giới tính xuyên suốt quy trình, trả lương công bằng, hiệu quả của các chính sách và thực tiễn nhằm đảm bảo dòng chảy nghề nghiệp công bằng cũng như tính hòa nhập của văn hóa). Chương trình phát triển con người tại Việt Nam được Ngân hàng ra mắt vào năm 2021 do Tổng Giám đốc chủ trì. Nội dung đưa ra bởi nhân viên và vì lợi ích của nhân viên với 25 luồng hoạt động trên 4 trụ cột chính: D&I, CSR, Sức khỏe, Cách làm việc mới. Hơn 100 sự kiện được ra mắt vào năm 2021 và 2022. Nhiều hội thảo, cuộc thi, cùng các buổi chia sẻ/ đào tạo trực tuyến ý nghĩa được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm cán bộ nhân viên như: Đào tạo trong giờ ăn trưa hằng tháng, chuỗi diễn giả và chia sẻ hằng tháng với các diễn giả nội bộ và bên ngoài; các chương trình hỗ trợ cộng đồng phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ; các chương trình đào tạo kiến thức tài chính cho trẻ em/nữ sinh dân tộc thiểu số và các thanh niên khởi nghiệp…

 

Bà Wee Sung San Michele, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Bà Sarah Twigg, Trưởng nhóm Giới và kinh tế bao trùm, khu vực châu Á Thái Bình Dương với tham luận “Bình đẳng giới trong lĩnh vực ngân hàng - một số thống kê và góc nhìn tại Việt Nam” đã có những nhận định sau: Nữ giới chiếm tỉ lệ rất lớn trong ngành Ngân hàng, bình đẳng giới là một phần cốt lõi trong chiến lược thúc đẩy năng lực cạnh tranh và năng suất của ngân hàng. Do đó, chúng tôi luôn thể hiện cam kết về đa dạng và hòa nhập; không phân biệt đối xử, cải thiện các thực hành thân thiện với gia đình và các phương án làm việc linh hoạt; thu hẹp khoảng cách giới trong tiếp cận cơ hội học tập và phát triển;...
 

Bà Sarah Twigg, Trưởng nhóm Giới và kinh tế bao trùm, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Đại diện NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ: Vietcombank có hai nguyên tắc để thực hiện bình đẳng giới. Thứ nhất, bình đẳng giới phải đi từ nhận thức đến hành động: Tuyên truyền, phổ biến để người lao động hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình; lãnh đạo ngân hàng và các bộ phận xây dựng chính sách nhận thức đầy đủ, đúng đắn về bình đẳng giới; chính sách nội bộ ban hành có tác dụng thúc đẩy bình đẳng giới. Thứ hai, bình đẳng giới không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội, xem đây là điều kiện quan trọng phát huy tiềm năng, thúc đẩy tính năng động, sáng tạo của người lao động. Định hướng về thực hiện bình đẳng giới thời gian tới tại Vietcombank là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, người lao động; biến nhận thức thành hành động, thành các chính sách cụ thể. Gia tăng số lượng lãnh đạo nữ trong đội ngũ cán bộ quản lí cấp trung và đội ngũ cán bộ cấp cao. Trong quá trình NHNN phối hợp với IFC triển khai nghiên cứu về bình đẳng giới năm 2022, Vietcombank là ngân hàng tham gia tích cực (có số lượng cán bộ tham gia khảo sát trực tuyến lớn nhất: 8.990 phiếu) và nằm trong nhóm ngân hàng có chính sách nhân sự hướng đến bình đẳng giới tốt.
 

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Trong phần thảo luận và hỏi đáp tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi để làm sâu sắc hơn về các nội dung đã được trình bày trong tham luận của các diễn giả.

Tiếp tục chia sẻ về thực hiện bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bình đẳng giới tại NHNN đã đạt được một số thành tựu bước đầu đáng ghi nhận như: 100% đơn vị thuộc NHNN đã có cán bộ chủ chốt là nữ. Tỉ lệ nữ lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ và nữ là thủ trưởng đơn vị đều tăng so với đầu nhiệm kì. Các mục tiêu về bình đẳng giới về cơ bản đã đạt được. Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN luôn quan tâm đối với việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng và cách thức quan tâm được thể hiện qua rất nhiều hình thức như: Tăng cường công tác truyền thông nhận thức về vấn đề bình đẳng giới; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tổ chức các cuộc nghiên cứu, phát hành các sản phẩm nghiên cứu về bình đẳng giới; trong công tác tuyển dụng thì thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, quy định về tỉ lệ ứng viên nữ tuyệt đối đảm bảo công bằng với ứng viên nam; số lượng tuyển dụng từ năm 2021 đến nay, nữ ứng viên trúng tuyển đạt 63%; công tác đào tạo, bồi dưỡng, cử đi học thạc sĩ thì nữ chiếm tỉ lệ 74%, tiến sĩ chiếm tỉ lệ 83,5%; đối với công tác quy hoạch, tỉ lệ quy hoạch nữ cấp vụ của NHNN cũng cao hơn so quy định, đạt 36% giai đoạn 2021 - 2026 và 48,6% giai đoạn 2026-2031; Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN cũng rất quan tâm học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế như: ADB, IMF, WB, IFC, GIZ… để có thêm kinh nghiệm trong thúc đẩy bình đẳng giới. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ được thành lập và có các hoạt động bài bản.

 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chia sẻ về thực hiện bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng
trong phần thảo luận của Hội thảo
 
NHNN đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ phải có kiến thức, bản lĩnh và có sự nhanh nhạy để phản ứng chính sách. Đối với hệ thống NHTM, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu cao về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Cán bộ nữ cũng phải nâng cao kĩ năng trình độ, tự tin, năng động, chủ động, bản lĩnh để sẵn sàng hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã nhận diện được vấn đề này, tiếp tục có các giải pháp để nâng cao kiến thức cho phụ nữ, kể cả cấp làm về chính sách cũng như đối với tham gia hoạt động thực tiễn kinh doanh của các ngân hàng. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành Ngân hàng là một trong những Bộ đi đầu về chuyển đổi số. NHNN cam kết trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN sẽ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để ngành Ngân hàng tiếp tục đứng vững, đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số, qua đó góp phần giúp phụ nữ “đi tắt, đón đầu” để vươn lên và các chỉ số về bình đẳng giới của ngành Ngân hàng sẽ được cải thiện, đóng góp vào sự tiến bộ phụ nữ của Việt Nam nói chung.
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và đại diện Ban Tổ chức Hội thảo tặng hoa các diễn giả
 
Nam Hải
 

 

Theo: Tạp chí Ngân hàng