Vì sao ngân hàng báo lãi khủng nhưng giá cổ phiếu liên tục lao dốc?

(Banker.vn) Trong tuần giao dịch vừa qua (12-15/4/2022), nhóm cổ phiếu ngân hàng với việc giảm điểm mạnh đã trở thành gánh nặng lớn nhất đối với thị trường chung bất chấp những dự báo tích cực về tăng trưởng lợi nhuận quý I.

Ngân hàng đua nhau báo lãi khủng

Tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) diễn ra mới đấy, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc, cho biết trong quý I/2022, lợi nhuận hợp nhất của ACB khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Điển hình, tín dụng tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 27%.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu của SSI (SSI Research), dự báo có 12/13 ngân hàng có kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương bao gồm: ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank, SHB.

Theo đó, HDBank được dự báo lợi nhuận trước thuế có thể đạt 2.300 - 2.400 tỷ đồng (tăng 10-14% so với cùng kỳ). Nhóm chuyên gia cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của MSB dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ). Kết quả này chưa bao gồm lợi nhuận từ việc bán FCCom.

Theo ước tính của SSI, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của SHB đạt 3.200 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định.

Một số ngân hàng khác có mức tăng khá như Techcombank đạt 6.500 - 6.700 tỷ đồng, tăng 18 - 21% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm. Ngân hàng Quân đội (MB) đạt khoảng 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 10 - 11% so với đầu năm. BIDV cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 4.200 tỷ đồng, tăng 23,7%.

Còn Vietcombank ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 -10.000 tỷ đồng, tăng 10 - 16% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng của Vietcombank duy trì mạnh mẽ trong quý (tăng 6%-7%).

Cổ phiếu ngân hàng nối dài chuỗi ngày tiêu cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 12 - 15/4/2022.

Kết tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.458,56 điểm - giảm 23,44 điểm (-1,58%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 15,31 điểm (-3,54%) xuống 416,71 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 3,45 điểm (-2,98%) xuống 112,36 điểm.

Tuần qua, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng không thoát khỏi xu hướng chung khi bị bán mạnh. ABB giảm mạnh nhất tuần qua khi giảm 8,2%, đóng cửa tuần ở mức 14.600 đồng/cp. Các mã giảm mạnh tiếp theo là TPB (-7,6%), HDB (-7,4%), TCB (-7,1%), BID (-6,6%),…Nhóm giảm nhẹ nhất có thể kể đế VPB (-0,8%), OCB (-0,8%), ACB (-0,9%),…

Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng tuần qua

2 cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá tuần qua là KLB (4,9%) và SSB (0,5%). Giá tăng nhưng thanh khoản của KLB rất thấp, có phiên chỉ đạt hơn 5.500 cp (phiên 13/4), cao nhất cũng chỉ đạt 32.400 cp (phiên 15/4). Mặc dù tăng giá mạnh nhất trong nhóm ngân hàng như KLB vẫn chưa bù lại được mức giảm tới 10,5% trong tuần trước (4-8/4).

Khối ngoại cũng bán mạnh cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua. STB bị xả mạnh nhất với khối lượng bán ròng hơn 1,3 triệu cp. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp cổ phiếu STB bị nhà đầu tư xả mạnh, sau khi liên tiếp mua vào 3 tháng đầu năm. VPB cũng bị nhà đầu tư bán ròng hơn 500.000 cp trong tuần qua.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng hơn 1,4 triệu cổ phiếu CTG trong tuần.

Góc nhìn chuyên gia

Có thể thấy, trái với sự thăng hoa về lợi nhuận, giá cổ phiếu ngân hàng lại lao dốc không phanh.

Đưa ra góc nhìn về sự trái ngược này, ông Nguyễn Huy Bằng - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân - Chứng khoán Rồng Việt cho biết, sự trái chiều trong khuyến nghị của giới chuyên gia và diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng có thể lý giải dựa trên tầm nhìn định giá theo kịch bản trung và dài hạn với các dữ liệu khách quan có kiểm chứng. Trong khi đó, các diễn biến ngắn hạn thị trường luôn thức thời theo cách nhìn nhận của nhà đầu tư, diễn biến của môi trường kinh doanh, các yếu tố địa chính trị,...

Thực tế, cổ phiếu ngân hàng trong thời gian dài không có diễn biến tích cực, dao động trong biên độ hẹp trong khi các nhóm ngành khác có diễn biết rất tốt. Dòng tiền dường như không tham gia mới thêm khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn. Trong tương lai gần, điều này có thể tiếp diễn và tình trạng mất kiên nhẫn có thể lan rộng tạo ra sự chiết khấu về giá.

Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại sức hấp dẫn khi có mức giá phù hợp hơn để kích thích dòng tiền trở lại.

Theo ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường - Chứng khoán KBS, cổ phiếu ngân hàng hiện tại đang bị liên đới bởi các thông tin tiêu cực ở lĩnh vực bất động sản do 2 ngành này có tính chất cộng sinh với nhau; nếu triển vọng ngành bất động sản kém tích cực thì hệ lụy đối với ngành ngân hàng là khá lớn khi cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng dư nợ tín dụng cao ở hầu hết các ngân hàng.

Ông Đức Anh cho rằng, diễn biến tiêu cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại là có thể hiểu được và đây cũng là rủi ro lớn với xu hướng thị trường chung.

Trong khi đó, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích - Chứng khoán VPS phân tích, kết quả kinh doanh thức tế được công bố và số liệu dự báo triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không có nghĩa chắc chắn giá cổ phiếu sẽ diễn biến tốt. Đôi khi các cơ hội đầu tư tưởng chừng an toàn lại không phải là cơ hội sáng suốt mà ngược lại là cơ hội đầu tư tệ.

"Có lẽ năm nay nhà đầu tư cũng nên tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác đến từ nhóm ngành nghề hưởng lợi hứa hẹn triển vọng hơn nhóm cổ phiếu ngân hàng", ông Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội, các công ty chứng khoán thường đưa ra đánh giá dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp triển vọng kinh doanh. Hiện tại, kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng vẫn rất tốt song giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi cung cầu trên thị trường.

Trong ngắn hạn, khi yếu tố tâm lý của nhà đầu tư yếu bị tác động bởi thông tin trên thị trường khiến họ quên đi yếu tố cơ bản của doanh nghiệp sẽ tạo áp lực bán rất lớn. Đó là lý do tại sao có sự trái ngược như vậy.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích - Chứng khoán Phú Hưng cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chịu sự chi phối bởi ba yếu tố chính: Thanh khoản của nhóm này rất cao trong khi dòng tiền của thị trường tương đối yếu nên xuất hiện trạng thái thiếu lực cầu cục bộ; nhà đầu tư có tâm lý thận trọng với nhóm này sau vụ hủy lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh khiến cổ phiếu kém hấp dẫn trong ngắn hạn; kết quả kinh doanh quý I/2022 tuy vẫn tích cực nhưng thực chất là mức độ tăng đã hạ nhiệt so với năm trước đó và không còn nhiều yếu tố đột biến. Từ đó có thể kết luận, thị trường đang cho thấy nhóm này đang chưa có nhiều cơ hội ở thời điểm hiện tại.

Quang Huy

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán