Thị trường chứng khoán ngày 9/8/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) VPBank thông báo phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP trong tháng 8; VIC bị bán ròng 375 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 8; Giá cổ phiếu gấp 3 lần đầu năm, công ty riêng của lãnh đạo HAH đăng ký thoái hết vốn; KPF báo lãi ròng 6 tháng gấp 28 lần cùng kỳ;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 9/8/2021.

Giá cổ phiếu gấp 3 lần đầu năm, công ty riêng của lãnh đạo HAH đăng ký thoái hết vốn: Công ty Đại lý Cánh Đồng Xanh thông báo đăng ký bán toàn bộ 403.200 cổ phiếu Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH). Tổ chức này là do ông Trần Quang Tiến – Thành viên HĐQT HAH làm Chủ tịch HĐQT. Riêng ông Tiến đang nắm giữ 500.500 cổ phiếu HAH, chiếm 1,26% vốn điều lệ. Mục tiêu thực hiện giao dịch của Đại lý Cánh Đồng Xanh là giảm đầu tư, phương thức có thể khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian dự kiến giao dịch từ 12/8 đến 10/9. Cổ phiếu HAH đang giao dịch ở vùng giá 52.000 đồng/cp, gấp 3 lần kể từ đầu năm. Tạm tính theo vùng giá này, công ty riêng của lãnh đạo HAH dự thu về gần 21 tỷ đồng. Cổ phiếu tăng giá trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Vận tải và Xếp dỡ Hải An khả quan. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 49% lên hơn 808 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ. Như vậy, sau nửa năm, Hải An thực hiện 49% kế hoạch doanh thu và vượt 16% mục tiêu lợi nhuận.

Cá nhân và tổ chức trong nước bán ròng hơn 2.400 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 8: Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân và tổ chức trong nước đều bán ròng trên HoSE trong tuần từ 2-6/8 trong khi khối ngoại mua ròng đột biến và tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư. Đối với cá nhân trong nước, dòng vốn này bán ròng trở lại 646 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng trước đó. Dù vậy nếu chỉ tính phương thức khớp lệnh thì cá nhân trong nước bán ròng chỉ 61 tỷ đồng. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã VHM với giá trị 1.537 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VIC với 291 tỷ đồng. Chiều ngược lại, STB bị bán ròng mạnh nhất với 754 tỷ đồng. Tổ chức trong nước vẫn duy trì đà bán ròng với 1.765 tỷ đồng, giảm 11% so với tuần trước. Trong đó, tổ chức (không gồm tự doanh) bán ròng 1.400 tỷ đồng, giảm 45%. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 4.100 tỷ đồng.

VIC bị bán ròng 375 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 8: Điểm sáng trong tuần giao dịch vừa qua là việc khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng tích cực. Cụ thể, dòng vốn này trong tuần từ 2-6/8 mua vào 203 triệu cổ phiếu, trị giá 9.060 tỷ đồng, trong khi bán ra 145,8 triệu cổ phiếu, trị giá 6.579 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 57,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.480,6 tỷ đồng, gấp 3,4 lần tuần trước. Riêng sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 2.413 tỷ đồng (gấp 3,7 lần tuần trước đó), tương ứng khối lượng mua ròng là 56,5 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã VHM với giá trị 985 tỷ đồng. Tiếp sau đó, STB được mua ròng 702 tỷ đồng, SSI và MBB được mua ròng lần lượt 629 tỷ đồng và 379 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 375 tỷ đồng. VNM và VRE bị bán ròng lần lượt 204 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.

VPBank thông báo phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP trong tháng 8: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã VPB) vừa ra thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP). Phương án này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua. Theo đó, VPBank sẽ phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ, tương ứng 0,611% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương ngân hàng sẽ huy động về 150 tỷ đồng. VPBank đang có gần 75,22 triệu cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Vi phạm công bố thông tin, cổ đông NHP bị xử phạt: Ngày 04/08/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Hà Phương số tiền 45 triệu đồng. Cụ thể, ngày 18/12/2020, bà Nguyễn Thị Hà Phương đã mua 417.200 cp CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (UPCoM: NHP), dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch lớn hơn 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của NHP (tăng từ 3,97% lên 5,48%). Từ ngày 25/12/2020-19/03/2021, bà tiếp tục mua tổng cộng hơn 2.4 triệu cp và bán 44.200 cp NHP, dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của NHP. Tuy nhiên, đến ngày 19/04/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới nhận được báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn và các báo cáo thay đổi sở hữu cổ đông lớn của bà Phương.

Nhiều lãnh đạo Công trình Viettel (CTR) không mua hết cổ phần đăng ký khi giá vùng đỉnh lịch sử: Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Bùi Thế Hùng - thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction - UPCoM: CTR) đã giao dịch 16.000 cổ phiếu CTR trong số 30.000 cổ phiếu đăng ký mua. Sau giao dịch, ông Hùng nâng tỷ lệ sở hữu tại Viettel Construction lên mức 0,1% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện theo hình thức khớp lệnh, trong thời gian từ 29/6 đến 30/7.

Bên cạnh ông Hùng, nhiều thành viên khác trong Ban giám đốc Viettel Construction cùng người nhà cũng báo cáo giao dịch cổ phiếu CTR trong thời gian tương tự. Bà Đặng Thị Quỳnh, vợ của ông Phạm Đình Trường - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã mua 23.000 cổ phiếu CTR. Lý do không thực hiện hết số lượng 100.000 cổ phiếu đã đăng ký do giá cổ phiếu không phù hợp. Sau giao dịch, bà Quỳnh đang ở hữu 0,2% vốn điều lệ CTR. Ông Nguyễn Thái Hưng - Phó Tổng giám đốc CTR đã mua khớp lệnh 7.700 cổ phiếu trong tổng số đăng ký là 20.000, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,06%. Hai vị Phó Tổng giám đốc khác là bà Đào Thu Hiền và ông Lê Hữu Hiền cũng hoàn tất giao dịch mua 19.700 đơn vị và 17.900 đơn vị cổ phiếu. Sau khi hoàn tất giao dịch, bà Hiền và ông Hiền lần lượt sở hữu 0,06% và 0,07% vốn điều lệ công ty.

Những giao dịch trên được thực hiện trong thời gian từ 24/6 - 23/7. Lý do không thực hiện hết khối lượng đã đăng ký được đưa ra là chưa thu xếp được tài chính cá nhân. Ước tính tại mức giá bình quân 76.600 đồng/cp trong giai đoạn trên, ban lãnh đạo Viettel Construction đã chi ra khoảng 6,5 tỷ đồng để thực hiện giao dịch. Ngay sau khi hoàn tất giao dịch, cổ phiếu CTR đã tăng khoảng 4,95% giá trị và hiện đang được giao dịch ở mức 82.700 đồng/cp. Đây là vùng giá cao nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết vào năm 2017.

KPF báo lãi ròng 6 tháng gấp 28 lần cùng kỳ: Kết quả kinh doanh quý 2 tăng đột biến giúp CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF) gần hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng. Theo giải trình của KPF, trong quý 2/2021, Công ty mua lại 98% cổ phần của CTCP TTC Deluxe Sài Gòn nên ghi nhận doanh thu hợp nhất bán hàng hóa và dịch vụ gần 18 tỷ đồng và khoản thu nhập khác hơn 13 tỷ đồng. Do đó, KPF đạt gần 43 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2, gấp 5,3 lần cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận gộp gấp 3,5 lần, lên 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính và lợi nhuận khác cũng tăng mạnh, lần lượt gấp 22,8 lần và 88,7 lần. Từ những yếu tố trên , KPF ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2 gần 42 tỷ đồng, gấp 5,8 lần. Lũy kế 6 tháng đầu năm, KPF có doanh thu thuần gần 43 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ, giúp lợi nhuận ròng đạt gần 45 tỷ đồng, gấp 28,4 lần cùng kỳ năm trước.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục