Cơ cấu danh mục
Anh Tuấn, một trong những nhà đầu tư “cá mập” (vốn đầu tư vài chục tỷ đồng trở lên) chia sẻ, anh đang cân nhắc cơ cấu lại danh mục theo hướng tìm chọn các cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô trong nửa đầu năm 2022.
Nhà đầu tư này dự kiến thoát hàng ở các mã chứng khoán và chuyển sang các mã về xây dựng, hạ tầng. Lý do cho sự “chuyển tông” được giải thích từ quan điểm cổ phiếu chứng khoán đã tăng giá mạnh trong năm 2021 nên khó có thể duy trì mức tăng ấn tượng trong năm 2022. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng, hạ tầng năm 2022 được hỗ trợ bởi gói kích thích kinh tế, đầu tư công được đẩy mạnh.
Mặt khác, một số cổ phiếu nhóm chứng khoán trong danh mục đã tăng bằng lần nên anh Tuấn muốn hiện thực hóa lợi nhuận để chuyển sang cổ phiếu dòng khác. Hiện anh đang sàng lọc thông tin, thực hiện phân tích cơ bản và kỹ thuật để chọn ra 2 - 3 mã cổ phiếu lĩnh vực xây dựng, hạ tầng, dự kiến mua vào trong các phiên giao dịch cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Kỳ vọng dài hạn
Trong khi đó, “cá mập” Trang cho biết, chị đang nắm giữ 3 mã cổ phiếu bất động sản, nhưng chiếm phần lớn giá trị tài khoản. Là nhà đầu tư dài hạn nên chị chỉ tái cơ cấu danh mục khi thị trường có tín hiệu rõ về các chu kỳ đầu tư, hoặc khi có những pha điều chỉnh mạnh.
Chị Trang nhìn nhận, hiện tại, thị trường vẫn trong xu hướng đi ngang, dù vừa có vài phiên sụt giảm. Cổ phiếu ngân hàng sau đợt điều chỉnh vài tháng trước đang đóng vai trò giữ nhịp chỉ số chung, bởi tỷ trọng vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, trong khoảng nửa năm tới, nhóm cổ phiếu “vua” khó có thể tạo ra một con sóng mới, nhiều khả năng “dập dìu” lên xuống trong biên độ vừa phải. Vì vậy, chỉ số VN-Index chưa có dấu hiệu sẽ sớm thiết lập các đỉnh mới, nên việc tái cấu trúc danh mục chưa được chị Trang tính đến.
Giải thích thêm về lý do tập trung nắm giữ cổ phiếu bất động sản, chị Trang cho hay, trong lịch sử thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép thường đi cùng nhau.
Trong đó, sóng cổ phiếu ngân hàng, thép sẽ kết thúc trước, sau đó là cổ phiếu chứng khoán. Cổ phiếu bất động sản sẽ là con sóng kế tiếp và có bước sóng dài nhất. Giai đoạn hiện tại là thời của bất động sản, dự kiến kéo dài sang ít nhất nửa đầu năm 2022.
“Không chỉ giữ nguyên danh mục, tôi sẽ ‘nhập’ thêm cổ phiếu bất động sản khi có điểm mua hợp lý”, chị Trang chia sẻ.
Một số nhà đầu tư khác duy trì nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, có triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn (chứng khoán, năng lượng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, bất động sản, logistics, bán lẻ, dầu khí...), nhưng dành một phần nguồn vốn để xoay vòng theo xu hướng ngắn hạn của dòng tiền trên thị trường, nhằm tận dụng cơ hội từ các con sóng như sóng ngành, sóng thoái vốn, thậm chí sóng cổ phiếu nhỏ hay tin đồn, hoặc chớp cơ hội phục hồi ngắn hạn ở các mã giảm giá mạnh có thanh khoản cao.
Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp cũng được nhà đầu tư quan tâm. Thực tế, có những trái phiếu tương đối an toàn, nhưng lãi suất hấp dẫn.
Quan sát của một tư vấn đầu tư
Từ góc nhìn của người tư vấn đầu tư, ông Trần Minh Tuấn, cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest nhìn nhận, giai đoạn cuối năm, các nhà đầu tư lớn và quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán có động thái dịch chuyển một phần dòng tiền từ cổ phiếu sang các tài sản mang tính ổn định hơn như trái phiếu, xuất phát từ nhu cầu bảo toàn vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư. Điều này đúng cả với các nhà đầu tư cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn.
“Không ít nhà đầu tư cá nhân đang phân bổ danh mục đầu tư và chuyển một phần sang kênh trái phiếu khi mà lãi suất ngân hàng trở nên kém hấp dẫn. Đây được coi là một giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện tại”, ông Tuấn nói.
Thành Nguyễn
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|