Sự cố Miss Grand Vietnam 2024: Khi lịch sử trở thành 'nạn nhân' của sân khấu sắc đẹp

(Banker.vn) Sự kiện nhầm lẫn lịch sử của Cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 vào tối ngày 30/7 vừa qua đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Thông tin mới nhất về lịch thi chung kết Miss Grand Vietnam 2024 Link xem trực tiếp chung kết Miss Grand Vietnam 2023 tối nay (27/8) Lê Hoàng Phương đăng quang Miss Grand Vietnam 2023

Trong phần thi trang phục dân tộc của cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 (Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam), thí sinh Bùi Lý Thiên Hương đã diện trang phục được lấy cảm hứng từ Hai Bà Trưng. Thí sinh đã ra sân khấu trong nền nhạc cùng câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình trường ở Biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người". Tuy nhiên, đây là câu nói của Bà Triệu dù nó vẫn chưa đúng nguyên bản.

Nôm na đây là bộ trang phục về Hai Bà Trưng nhưng lại sử dụng lời nói của Bà Triệu. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra vào năm 40 sau Công nguyên. Hai Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trong khi đó, khởi nghĩa của Bà Triệu diễn ra vào năm 248 sau Công nguyên. Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh.

Ngay lập tức, khán giả nhận ra sai sót nhầm lẫn lịch sử này và theo lời Ban tổ chức, họ cũng nhận ra và cho dừng phát sóng ngay khi phần thi kết thúc và cắt đoạn trên. Nhưng chỉ duy có thí sinh Bùi Lý Thiên Hương cùng nhà thiết kế là không nhận ra sự sai sót này.

Việc thí sinh Bùi Lý Thiên Hương trình diễn trang phục Hai Bà Trưng trong khi nền nhạc lại phát câu nói của Bà Triệu đã gây ra một làn sóng tranh cãi dữ dội. Đằng sau những lời chỉ trích, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách sâu sắc hơn. Đây không chỉ đơn thuần là một sai sót trong khâu chuẩn bị mà còn là một dấu hiệu cho thấy sự cẩu thả, thiếu tôn trọng đối với lịch sử dân tộc.

Sự cố Miss Grand Vietnam 2024: Khi lịch sử trở thành 'nạn nhân' của sân khấu sắc đẹp
Thí sinh Bùi Lý Thiên Hương đã diện trang phục được lấy cảm hứng từ Hai Bà Trưng nhưng trên nền nhạc và câu nói của Bà Triệu.

Sự việc nhầm lẫn lịch sử trong cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 đã khiến Công ty Sen Vàng (đơn vị tổ chức) rơi vào tâm điểm chỉ trích. Sự việc này cũng khiến cho công chúng đặt ra câu hỏi liệu Sen Vàng có thật sự hiểu rõ lịch sử dân tộc hay chỉ muốn mượn yếu tố lịch sử để thu hút sự chú ý?

Những thông tin không chính xác trong việc trình bày di sản văn hóa không chỉ làm giảm uy tín của công ty mà còn khiến công chúng nghi ngờ về khả năng tổ chức và quản lý của họ. Nhiều người còn nghi ngờ về khả năng trình độ học vấn của các nàng hậu đến từ nhà Sen Vàng. Họ cho rằng công ty đã quá lơ là trong khâu kiểm soát dẫn đến các sai phạm cơ bản như trên.

Việc mượn yếu tố lịch sử trong các phần thi, sản phẩm sẽ được đánh giá cao nếu họ trình bày đúng. Vì trong thời đại công nghệ số hiện nay, đây cũng là một trong những cách truyền đạt hiệu quả giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận với những kiến thức mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nó cũng tạo ra những thách thức mới. Muốn làm được như vậy, bản thân họ cần phải nắm rõ kiến thức tránh các sự cố liên quan đến kiến thức lịch sử nước nhà sẽ khiến cho một số bộ phận phản động có cơ sở yếu tố để dựa vào đó để xuyên tạc lịch sử.

Sự cố tại Miss Grand Vietnam 2024 không phải là trường hợp duy nhất phản ánh tình trạng thiếu hiểu biết về lịch sử trong giới trẻ. Trước đó, Á hậu 1 cuộc thi Miss World Việt Nam 2023 Đào Thị Hiền cũng đã từng khiến dư luận xôn xao với phát ngôn gây sốc của mình. Cụ thể trong một buổi phỏng vấn, khi nhận được câu hỏi kể tên 5 người nổi tiếng ở Nghệ An, Đào Thị Hiền nhanh chóng đáp: "Hương Tràm, em, Đào Thị Hà,... à Bác Hồ, Phan Bội Châu". Đào Thị Hiền, đã khiến dư luận dậy sóng khi không thể nhanh chóng kể tên những người nổi tiếng ở Nghệ An, quê hương của Bác Hồ, trong một buổi phỏng vấn. Cô đã đáp lại câu hỏi bằng việc nêu tên Bác Hồ một cách muộn màng, khiến nhiều người thất vọng về sự thiếu hiểu biết cơ bản về lịch sử.

Cũng trong chương trình giao lưu này, Hoa hậu Ý Nhi đã gặp phải sự chỉ trích khi không thể nêu đúng ba người nổi tiếng ở Bình Định, đáp lại bằng cách liệt kê tên "nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung" bên cạnh chính mình. Những sai sót này không chỉ làm giảm uy tín của các thí sinh mà còn cho thấy sự thiếu hụt kiến thức lịch sử trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Hậu quả của những phát ngôn trên không chỉ là những sự cố đơn lẻ của cá nhân mà còn có thể dẫn đến những hậu quả sâu rộng và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả cá nhân và cộng đồng. Những phát ngôn không chính xác về các sự kiện và nhân vật lịch sử có thể làm giảm uy tín và sự tin cậy của các cá nhân liên quan, đồng thời tạo ra sự hiểu lầm và thiếu tôn trọng đối với lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Sự cố tại Miss Grand Vietnam 2024 và một số cuộc thi sắc đẹp không chỉ là sự kiện gây tranh cãi trong lĩnh vực giải trí mà còn là một bài học quý giá về tầm quan trọng của kiến thức lịch sử. Để bảo vệ di sản văn hóa và đảm bảo rằng các thế hệ tương lai hiểu và trân trọng di sản của ông cha, chúng ta cần nâng cao nhận thức và giáo dục về lịch sử.

Sắc đẹp và trí tuệ không chỉ nên đi đôi với nhau mà còn phải dựa trên một nền tảng hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa. Việc duy trì và phát huy kiến thức lịch sử chính xác là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức, góp phần xây dựng một xã hội có hiểu biết và tôn trọng các giá trị văn hóa của chính mình.

Minh Anh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục