Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý vướng mắc về quy hoạch bô-xit

(Banker.vn) Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu ra soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý những vướng mắc liên quan đến quy hoạch bô-xit trong tháng 7/2024.
Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến bô-xít: Khuyến khích đầu tư trong nước Các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng tới nguồn nhân lực “dám nghĩ, dám làm”

Tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba diễn ra ngày 23/6, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, quy mô kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) của toàn vùng đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,58 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 3,5% dự toán thu ngân sách nhà nước do Trung ương giao. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,912 tỷ USD, tăng 11,9% so cùng kỳ 2022. Trong quý I/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 977 doanh nghiệp, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý vướng mắc về quy hoạch bô-xit
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba. Ảnh: VGP

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn vùng vẫn còn những mặt hạn chế như GRDP bình quân đầu người của vùng còn thấp; phát triển kinh tế chưa có tính đột phá, các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp chưa rõ nét; tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thật sự bền vững là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp - xây dựng còn thấp, hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến…

Đặc biệt giai đoạn hiện nay, vùng Tây Nguyên có sự chồng lấn trong quy hoạch quy hoạch thăm dò bô-xít, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản, dẫn đến nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời việc xây dựng, phát triển các tuyến cao tốc, hạ tầng giao thông của khu vực còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về nguồn kinh phí.

Thông qua Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đã phản ánh việc thực hiện một số công trình trọng điểm quốc gia, công trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp khó khăn do có sự chồng lấn giữa Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trong đó có bô-xit, với Quy hoạch sử dụng đất tại (phê duyệt tại Quyết định 326).

Đồng thời, nêu ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho các dự án kết nối giao thông với các vùng khác; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; cơ chế, kinh phí phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, tỉnh Kon Tum kiến nghị bổ sung cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030; quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi-Kon Tum-Pleiku. Kon Tum cũng đề nghị các bộ, ngành sớm có ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen tại huyện Kon Plông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện Đề án thí điểm về cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu.

Tỉnh Đắk Nông mong các bộ, ngành Trung ương quan tâm hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án tổ hợp chế biến quặng-alumi-luyện nhôm theo Quy hoặc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Gia Lai đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP các văn bản pháp luật có liên quan về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập tổ công tác để chia sẻ thông tin, tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các địa phương trong vùng trong quá trình xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Nguyên. Đắk Lắk cũng đề xuất Trung ương cho phép các chính sách đặt thù của các vùng khác đang được triển khai có hiệu quả được áp dụng tại Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của các địa phương tại Hội nghị; đề nghị các địa phương, nhất là đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Nguyên.

Đối với vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản quốc gia, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát Luật Khoáng sản đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, bảo đảm luật không làm khó các địa phương khi thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư công.

Ngoài ra, liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng đánh giá cao các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của cả nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ đến nay chưa có địa phương nào ở Tây Nguyên chỉ ra huyện nào thí điểm trộn vốn 3 Chương trình dù đã được Quốc hội cho phép.

Theo Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương