Quốc gia châu Âu có nợ công tăng gần như liên tục kể từ những năm 1970

(Banker.vn) Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo cuộc bầu cử quốc hội sớm ở Pháp có thể ảnh hưởng tiêu cực tới xếp hạng tín nhiệm của nước này.
Các nước Trung Âu sử dụng ''công cụ khí đốt'' gây áp lực lên Liên minh châu Âu Châu Âu “gặp khó” trên con đường trở lại vị thế siêu cường Quốc gia châu Âu muốn NATO dỡ bỏ hạn chế tấn công lãnh thổ Nga

Moody's đánh giá cuộc bầu cử sớm này sẽ làm gia tăng rủi ro cho quá trình củng cố tài khóa, gọi đây là "điểm trừ" khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Pháp, hiện đang ở mức Aa2.

So với Fitch và S&P Global, Moody's đang duy trì thang điểm tín nhiệm của Pháp cao hơn 1 bậc.

Moody's nêu rõ gánh nặng nợ công của Pháp đã lên tới mức tương đương hơn 110%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn các quốc gia khác có xếp hạng tương đương. Nợ công của Pháp tăng gần như liên tục kể từ những năm 1970 do liên tục thâm hụt ngân sách.

Nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu đứng trước rủi ro lớn
Nền kinh tế Pháp đứng trước rủi ro lớn. Ảnh: AP

Theo Moody's, nguy cơ bất ổn chính trị được coi là một rủi ro tín nhiệm vì chính phủ kế nhiệm cũng sẽ tiếp nhận một trạng thái tài khóa đầy thách thức.

Cơ quan này cũng để ngỏ khả năng hạ mức triển vọng xếp hạng tín nhiệm Pháp từ “ổn định” xuống “tiêu cực” nếu các biểu đồ nợ công của nước này tiếp tục xấu đi. Moody's cũng cho rằng một khi cam kết củng cố tài chính suy yếu thì áp lực giảm năng lực tín dụng sẽ tăng.

Trước đó, cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ "AA" xuống còn "AA-", với lý do vị thế ngân sách của nước này suy giảm.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh châu Âu (EU).

S&P đã đưa ra quyết định trên do thâm hụt ngân sách của Pháp được dự báo sẽ duy trì trên 3% GDP vào năm 2027.

S&P nêu rõ, thâm hụt ngân sách của quốc gia châu Âu trong năm 2023, chiếm khoảng 5,5% GDP, cao hơn dự báo trước đó của cơ quan này. Trong khi đó, nợ công cũng có thể đi ngược dự báo, tăng lên khoảng 112% GDP vào năm 2027, từ mức khoảng 109% GDP vào năm 2023.

Giới phân tích nhận định, việc Pháp bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm có thể khiến các nhà đầu tư không còn hứng thú, dẫn tới việc trả nợ của nước này trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, S&P cũng duy trì triển vọng "ổn định" đối với Pháp dựa trên "kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế thực sự sẽ tăng tốc và hỗ trợ củng cố ngân sách của chính phủ", dù không đủ để giảm tỷ lệ nợ trên GDP ở mức cao của nước này.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương