Quảng Ninh tiếp tục loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

(Banker.vn) Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái và một số cửa khẩu khác của Quảng Ninh đã có nhiều dấu hiệu tích cực trong thời gian vừa qua.
Hơn 990.000 tấn hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quảng Ninh khởi sắc

Tín hiệu vui từ xuất nhập khẩu qua cửa khẩu

Thông tin từ Chi cục Hải quan Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái đạt hơn 2,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,72 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD (tăng 6,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022). Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.176 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022).

Hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng cạn ICD Móng Cái (Ảnh: Cổng thông tin điện tử quảng Ninh)
Hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng cạn ICD Móng Cái (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 907 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục tại Chi cục, trong đó có 467 doanh nghiệp mới về làm thủ tục qua địa bàn (tăng 224 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022) với kim ngạch đạt hơn 375 triệu USD, số thu ngân sách từ các doanh nghiệp mới đăng ký đạt gần 125 tỷ đồng.

Những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư công đối với nhiều dự án, công trình ở các khu kinh tế cửa khẩu, từ đó góp phần tạo ra “lực đẩy” lớn để phát triển kinh tế ở khu vực này.

Hiện tỉnh có 3 khu kinh tế cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.75ha bao gồm: khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gắn với cửa khẩu Móng Cái với diện tích 121.197ha; khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn với tổng diện tích 14.236ha; khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh với tổng diện tích là 9.302ha.

Theo số liệu của Sở Công Thương Quảng Ninh, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 1,993 tỷ USD tăng 13,8% cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh 8 tháng ước đạt 2,068 tỷ USD, tăng 4,7% cùng kỳ.

Hiện, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tiếp tục tham mưu cho Cục Hải quan tỉnh đẩy nhanh việc triển khai xây dựng "Cửa khẩu số", nghiên cứu tham mưu triển khai xây dựng "Hải quan số" với mô hình quản lý hải quan số gắn với cửa khẩu số nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành ở địa phương và Trung ương.

Đồng thời, tiếp tục vận hành máy soi container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II, Lối mở cầu phao Km3+4 và tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCISS, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan, chủ động, kịp thời và tích cực tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách trong công tác hỗ trợ đồng hành doanh nghiệp… Từ đó, tiếp tục giữ vững, phát huy vị thế của đơn vị điển hình trong đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh hiệu quả thông quan qua Cửa khẩu Móng Cái, mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khánh thành Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) giai đoạn 2, nối từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (thành phố Móng Cái) đến Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà).

Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) giai đoạn 2 từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh do Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 cửa khẩu từ gần 1,5 tiếng xuống còn hơn 25 phút.

Đa dạng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Với gần 119 km đường biên giới trên bộ và 191 km đường biên giới trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương tốt với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển. Phát huy lợi thế đưa Quảng Ninh sớm trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, "cầu nối" hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á, tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, đưa vào sử dụng các tuyến cao tốc… đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, để hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới, Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được thuận lợi.

Bên cạnh đó, tiếp tục thông tin, nắm bắt tình hình tại các cửa khẩu biên giới để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp, Sở Công Thương các tỉnh/thành trong cả nước các thông tin có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu như: quy định có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; tình hình hoạt động tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu, chính sách tiền tệ của phía Trung Quốc, kịp thời dự báo, nhận định và triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, ổn định hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn.

Ngoài ra, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh các hoạt động định hướng hoạt động xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế để chủ động và không bị phụ thuộc vào các chính sách của nước bạn; đồng thời tận dụng được các ưu đãi do các FTA mà Việt Nam đã ký kết thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhận thức đúng và đủ về các hình thức xuất nhập khẩu hiện nay.

Đặc biệt, Sở sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Tổ chức làm việc với một số tỉnh/thành phố trong cả nước để đưa hàng hoa quả, thủy sản xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh, trong đó quan tâm đến các tỉnh phía Nam; Đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”; Tham mưu triển khai Kế hoạch “thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Tham mưu xây dựng Đề án thí điểm khu hợp tác qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh)...

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương