Quảng cáo sai sự thật, người nổi tiếng hết ‘né’ trách nhiệm

(Banker.vn) Với quy định rõ ràng về trách nhiệm chủ thể tham gia thương mại điện tử, sẽ không còn tình trạng người nổi tiếng chối bỏ trách nhiệm khi quảng cáo sai sự thật.
Từ vụ Quang Linh Vlogs - điểm lại những người nổi tiếng từng quảng cáo sai sự thật Quảng cáo sai sự thật: Lỗ hổng trách nhiệm, vấn đề đạo đức Hoa hậu quảng cáo sai sự thật, truy trách nhiệm sàn thương mại điện tử

Khoảng trống trách nhiệm và hệ lụy xã hội

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế số, sự tham gia ngày càng phổ biến của người nổi tiếng - từ ca sĩ, diễn viên, hoa hậu đến các KOLs, Influencers đã góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng của xã hội. Tuy nhiên, cũng chính sự ảnh hưởng sâu rộng đó đang trở thành “con dao hai lưỡi” khi thiếu đi những ràng buộc pháp lý tương xứng với trách nhiệm.

Thực tế thời gian qua cho thấy hàng loạt vụ việc người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm "chữa được bách bệnh", sản phẩm giảm cân gây hại sức khỏe… nhưng sau đó lại chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra hậu quả, làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.

Thậm chí, có trường hợp dù lên tiếng xin lỗi, nhưng lại đẩy phần trách nhiệm cho nhà sản xuất, còn bản thân thì giống như “vô can” khi đưa ra những thông tin quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm.

Có thể lấy dẫn chứng từ vụ bê bối gần nhất liên quan đến quảng cáo sai sự thật về sản phẩm kẹo rau củ Kera. Ngay khi vụ việc bị phanh phui, Thùy Tiên đã công khai xin lỗi trên trang cá nhân. Tuy nhiên, hoa hậu này chỉ nhận một phần thiếu sót, còn lại đổ trách nhiệm cho nhà sản xuất.

Quảng cáo sai sự thật, người nổi tiếng hết ‘né’ trách nhiệm
Hoa hậu Thuỳ Tiên xin lỗi khi quảng cáo sai sự thật về kẹo rau củ Kera.

Không chỉ Thuỳ Tiên, một số nghệ sĩ, người nổi tiếng khác như Quyền Linh, Phương Mỹ Chi, NSND Hồng Vân, NSƯT Cát Tường… cũng từng phải đăng đàn xin lỗi sau khi đưa ra những thông tin sai sự thật về các sản phẩm thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm.

Những ví dụ kể trên đang cho thấy một thực trạng đáng lo ngại. Đó là việc nhiều người nổi tiếng dường như đang đứng ngoài vòng trách nhiệm pháp lý sau khi đưa ra những thông tin sai sự thật về sản phẩm để quảng cáo, bán hàng trong môi trường thương mại điện tử. Họ cứ sai rồi lại xin lỗi cho xong chuyện.

Trong khi đó, hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng lại có tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của hàng triệu người. Nếu tiếp tục để khoảng trống này kéo dài, hậu quả không chỉ là những thiệt hại vật chất mà còn là sự lung lay niềm tin xã hội.

Tuy nhiên, xử lý những người nổi tiếng tham gia quảng cáo, bán hàng trên thương mại điện tử có hành vi quảng cáo sai sự thật không phải là chuyện dễ. Việc chưa có một chế tài, quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia thương mại điện tử đã gây khó khăn trong công tác xác định, xử lý vi phạm của những chủ thể có hành vi vi phạm (trong đó có người nổi tiếng).

Luật hoá các quy định để tăng cường bảo vệ người dùng

Thực tiễn nêu trên đã đặt ra yêu cầu phải có những điều luật cụ thể để quản lý hoạt động của những người nổi tiếng trong môi trường thương mại điện tử.

Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương xây dựng đã đề xuất những quy định cụ thể xác định rõ trách nhiệm pháp lý của chủ thể tham gia thương mại điện tử (trong đó có người nổi tiếng).

Việc luật hoá các quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, trong thương mại điện tử là một tín hiệu tích cực và là bước đi cần thiết trong tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế số.

Điều này sẽ góp phần tạo căn cứ vững chắc để xác định các vi phạm của người nổi tiếng (nếu có) trong môi trường thương mại điện tử. Từ đó giúp cơ quan chức năng đưa ra các hình thức, mức xử phạt nghiêm minh, đảm bảo thượng tôn pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng.

Việc đưa người nổi tiếng vào phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại điện tử không phải là hành động bó buộc hay can thiệp vào hoạt động nghệ thuật, mà là sự thiết lập chuẩn mực trách nhiệm trong môi trường kinh doanh số. Khi tham gia quảng bá sản phẩm, người nổi tiếng đã đồng hành cùng doanh nghiệp để thuyết phục người tiêu dùng và do đó, họ không thể đứng ngoài hệ quả của quá trình ấy.

Quảng cáo sai sự thật, người nổi tiếng hết ‘né’ trách nhiệm
Việc luật hoá quy định liên quan tới trách nhiệm của chủ thể tham gia thương mại điện tử sẽ góp phần hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật của những người nổi tiếng. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh khung pháp luật, điều quan trọng không kém là đạo đức nghề nghiệp của người nổi tiếng khi tham gia thương mại điện tử. Những người nổi tiếng cũng cần nhận thức rằng, uy tín là tài sản lớn nhất của nghệ sĩ và không thể dùng uy tín ấy để trục lợi mà không chịu hậu quả.

Việc luật hóa trách nhiệm không nên được nhìn nhận như gánh nặng, mà là hành lang pháp lý giúp nghệ sĩ làm nghề một cách minh bạch, chuyên nghiệp và chính danh hơn. Bởi trên thực tế, xã hội ngày nay không chỉ đòi hỏi người nổi tiếng có tài năng mà còn cần sự liêm chính trong từng hành vi, từng lời nói.

Tựu chung lại, Luật Thương mại điện tử cần được xem là một phần trong quá trình thiết lập lại trật tự cho môi trường số - nơi mà ranh giới giữa nghệ thuật và thương mại, giữa cá nhân và cộng đồng ngày càng mờ nhạt. Những người nổi tiếng với sức ảnh hưởng đặc biệt cần được đặt đúng vị trí trong hệ sinh thái pháp lý này.

Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Mức phạt từ 20 - 100 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn công dụng sản phẩm; người vi phạm có thể bị cấm hoạt động quảng cáo từ 1 đến 2 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, người quảng cáo có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự theo Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng (sức khỏe, tài sản, tinh thần). Người tiêu dùng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ cá nhân quảng cáo và cả tổ chức sản xuất, phân phối.

Phong Lâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục