Phó Thống đốc Amamiya được đề cử cho vị trí Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản?

(Banker.vn) Các cuộc thảo luận cuối cùng đang được tiến hành để đề cử người kế vị Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda.

Theo thông tin từ những người thạo tin cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã tiếp cận Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Masayoshi Amamiya với tư cách là người có thể kế nhiệm Thống đốc Haruhiko Kuroda khi Tokyo chuẩn bị cho sự thay đổi lãnh đạo tại BOJ đầu tiên trong một thập kỷ.

Các quan chức chính phủ và liên minh cầm quyền cho biết chủ đề này đã được thảo luận với ông Amamiya. Chuyên gia ngân hàng trung ương 67 tuổi này là kiến ​​trúc sư của hầu hết các chính sách của BOJ dưới thời ông Kuroda.

Người đứng đầu tiếp theo của BOJ sẽ được giao nhiệm vụ vạch ra con đường để trở về chính sách tiền tệ bình thường sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác đều đã tăng lãi suất để chống lạm phát.

Chính phủ Nhật Bản sẽ giới thiệu các ứng cử viên cho vị trí Thống đốc BOJ và hai vị trí Phó thống đốc trước Quốc hội trong tháng này sau các cuộc thảo luận cuối cùng có sự tham gia của liên minh cầm quyền.

BOJ từ chối bình luận, nói rằng họ không biết về các cuộc thảo luận.

Nhiệm kỳ của ông Kuroda kết thúc vào ngày 8/4. Các Thống đốc của BOJ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm và cần có sự chấp thuận của cả hai viện của Quốc hội.

Nếu được chấp thuận, ông Amamiya sẽ trở thành Thống đốc đầu tiên của BOJ đi lên từ trong ngân hàng.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có trong thập kỷ qua dưới thời Thống đốc Kuroda, người nhậm chức vào năm 2013 với nhiệm vụ đạt được mức lạm phát ổn định 2%.

Tuy nhiên, trong khi các giao dịch mua trái phiếu Chính phủ quy mô lớn của BOJ giúp Nhật Bản chống lại giảm phát thì chúng đã bị chỉ trích là làm suy yếu chức năng thị trường và sức khỏe tài chính của đất nước. Việc nới lỏng các biện pháp này mà không gây sốc cho nền kinh tế và thị trường tài chính của Nhật Bản đòi hỏi kinh nghiệm sâu trong hoạch định chính sách tiền tệ.

Ông Amamiya, biệt danh là "ông hoàng" của Ngân hàng trung ương, đã dành phần lớn sự nghiệp của mình vào công tác hoạch định chính sách.

Ông đã nhúng tay vào gần như mọi động thái quan trọng của ngân hàng để chống lại giảm phát, từ việc nới lỏng định lượng vào năm 2001 đến việc kiểm soát đường cong lợi suất vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Ông Amamiya đã hỗ trợ Thống đốc Kuroda từ năm 2013, đầu tiên là dưới cương vị Giám đốc điều hành và sau đó là vị trí Phó thống đốc.

Nếu được phê chuẩn là Thống đốc mới, ông Amamiya sẽ phải lãnh đạo BOJ phản ứng lại trước tình trạng lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ - hiện ở mức 4% - và tình trạng rối loạn chức năng thị trường trái phiếu ngày càng trầm trọng.

BOJ đang sắp hết các lựa chọn để bảo vệ dải mục tiêu của mình đối với lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Thị trường đang theo dõi chặt chẽ liệu BOJ sẽ mở rộng biên độ hơn nữa hay từ bỏ hoàn toàn việc kiểm soát đường cong lợi suất.

Các nhà phê bình thì đổ lỗi cho chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo trong thập kỷ qua đã làm mất kỷ luật tài khóa, cũng như khiến các công ty “xác sống” ngập trong nợ nần khi lãi suất thấp vẫn tồn tại. Một số tiếng nói trong chính phủ ủng hộ việc chấm dứt nới lỏng tiền tệ quy mô lớn trong vòng một vài năm.

Thống đốc tiếp theo của BOJ sẽ phải đối mặt với một con đường khó khăn.

BOJ hiện nắm giữ hơn một nửa số trái phiếu Chính phủ Nhật Bản đang lưu hành, khiến họ trên thực tế trở thành người quản lý các khoản nợ của Nhật Bản. Bình thường hóa chính sách tiền tệ quá nhanh cũng có thể gây sốc cho thị trường tài chính. BOJ cũng sẽ cần xem xét tác động tiềm ẩn đối với các công ty, hộ gia đình và thị trường, vốn đã quen với lãi suất siêu thấp.

Với thực tế là tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Nhật Bản đang giảm xuống dưới 0,5%, những thay đổi chính sách vội vã cũng có thể gây ra nguy cơ làm tăng áp lực giảm phát lên nền kinh tế.

V.A -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ