Người tiêu dùng vẫn yếu thế trước 'ma trận' hàng giả, hàng nhái

(Banker.vn) Sự bùng nổ của thương mại điện tử đem đến nhiều lợi ích trong mua bán nhưng cũng chính môi trường này đang tạo 'đất sống' cho hàng giả, hàng nhái.
Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái “Tuyên chiến” với hàng giả, hàng nhái trong môi trường mạng

Hàng giả, hàng nhái bủa vây người tiêu dùng

Từng nhiều lần mua phải sách giả, soạn giả Nhâm Hùng (TP. Cần Thơ) cho biết, đầu năm 2024, thông qua một tài khoản Facebook có tên “Thế giới sách”, ông đã mua “Hình ảnh Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX” của NXB Thông Tấn.

Người tiêu dùng vẫn yếu thế trước 'ma trận' hàng giả, hàng nhái

Sản phẩm giả, nhái kinh doanh trên thị trường được lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện và thu giữ

Tuy nhiên, khi nhận được hàng, ông mới phát hiện ra đây là sách giả. Cụ thể, thời điểm này, tài khoản Facebook có tên “Thế giới sách” rao bán quyển sách “Hình ảnh Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX” của NXB Thông Tấn. Giá bìa sách là 350.000 đồng nhưng sách được rao bán chỉ với giá 199.000 đồng, bao gồm cả phí vận chuyển.

Thế nhưng khi nhận sách, chỉ có bìa màu đúng như quảng cáo (dĩ nhiên cũng là bìa giả - PV), còn bên trong 200 trang ruột đều là trắng đen. Ðiều đáng nói, nội dung trang ruột đều là truyện tranh, những nội dung lung tung, chứ hoàn toàn không phải như nội dung của sách thật, được photo rất mờ nhạt. Đặc biệt, khi liên hệ và phản hồi với tài khoản bán sách, ngay lập tức tài khoản này đã chặn ông Hùng. “Chỉ một chút sơ ý, không kiểm tra khi giao nhận sách, người mua sẽ bị lừa ngay”, ông Hùng cho biết.

Không chỉ sách, đầu tháng 7/2024, Hội Điều tỉnh Bình Phước đã phải “cầu cứu” lãnh đạo tỉnh chấn chỉnh việc buôn bán các sản phẩm hạt điều kém chất lượng, đặc biệt là các thông tin quảng cáo giả mạo hạt điều Bình Phước.
Theo ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, thời gian qua, trên một số website và mạng xã hội (Facebook) có nhiều tên miền, tài khoản, cơ sở nhỏ lẻ đăng sản phẩm thương hiệu "Đặc sản Bình Phước" để bán với những thông tin như: "Giá 100.000 đồng/6 hộp hạt điều bể/3kg; 100.000 đồng/3 hộp hạt điều còn vỏ lụa/1,5kg...". Đáng nói là những sản phẩm nêu trên không phải là hạt điều có nguồn gốc Bình Phước, mà là hạt điều nhập khẩu vụ cũ, kém chất lượng. Sản phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng… không có cơ sở truy xuất nguồn gốc chế biến, không biết ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng và về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nêu thực tế về thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết: Trong năm 2023 và quý I/2024, Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra hơn 74.000 vụ, xử lý gần 56.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hàng trăm tỉ đồng.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nay lực lượng Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra, xử lý 668 vụ hàng giả, tạm giữ 84.169 đơn vị sản phẩm - hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 7,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng kiểm tra, xử lý 1.110 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và tạm giữ 876.192 sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 45,9 tỷ đồng.

Về nguyên nhân hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan trên thị trường, theo ông Phạm Minh Tuân, Trưởng phòng nghiệp vụ 3, Tổng cục Quản lý thị trường, do thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Cụ thể đối tượng vi phạm không bán trực tiếp, tràn lan trên thị trường như trước đây mà chuyển sang tập kết hàng hóa tại các kho hàng, nhà riêng. Từ đó, hàng hóa được đưa lên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội như TikTok, Zalo, Facebook…; sau đó giao hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Cần sự chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Để đẩy lùi hàng giả, mỗi doanh nghiệp đã và đang có những giải pháp khác nhau. Chẳng hạn Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn hàng bị giả chủ yếu bán ở kênh online, ít phát hiện ở các cửa hàng truyền thống như trước. Do đó, công ty này có đội ngũ theo dõi các tổ chức, cá nhân kinh doanh Nón Sơn giả trên thị trường và báo cáo với lực lượng chức năng xử lý. Ngoài ra, Nón Sơn sử dụng tem chống hàng giả công nghệ cao cho phép người tiêu dùng xác thực hàng thật, nhận diện hàng giả nhanh chóng.

Người tiêu dùng vẫn yếu thế trước 'ma trận' hàng giả, hàng nhái

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã giám sát thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa đối với 3.484 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá gần 246 triệu đồng (Ảnh: Cục QLTT TP.HCM).

Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết, đơn vị đã, đang và sẽ tăng cường phối hợp thường xuyên, hỗ trợ kịp thời và kiên quyết trong xử lý hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và sức khỏe của người tiêu dùng.

Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố cũng tổ chức ký cam kết không kinh doanh, chứa trữ hàng hóa giả, kém chất lượng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố. Trường hợp nếu tiếp tục vi phạm sau khi ký cam kết sẽ bị phạt nặng.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quang Huy, cùng với những giải pháp trên, doanh nghiệp cần minh bạch về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ bằng cách cung cấp thông tin chi tiết và chính xác về sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm giá cả, chính sách đổi/trả hàng, và các thông tin khác; tránh quảng cáo đánh lừa và đảm bảo mọi thông tin quảng cáo đều chính xác và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương