Việc bán vàng qua ngân hàng thương mại chỉ là giải pháp trước mắt
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2/2024, đại diện Ngân hàng Nhà nước có nhiều chia sẻ xung quanh vấn đề bình ổn thị trường vàng. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thị trường vàng là vấn đề rất nóng trong những tháng vừa qua. Giá vàng SJC cao hơn thế giới khá nhiều, tạo ra sự chênh lệch lớn, bất hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng, qua các phiên đấu thầu đánh giá lại thấy không hiệu quả, chưa phù hợp, chưa tác động tích cực đối với kiểm soát giá vàng SJC. “Vì thế, chúng tôi chuyển đổi sang hình thức khác là bán vàng trực tiếp thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước. Cơ chế này đã bước đầu phát huy hiệu quả, kiểm soát được giá vàng SJC đối với giá vàng thế giới, không để tạo ra chênh lệch quá lớn” - Phó Thống đốc thông tin, đồng thời cho biết, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Ngân hàng Nhà nước đang cùng các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp căn cơ, dài hạn cho thị trường vàng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo |
Thông tin thêm về giá vàng, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tuần trước, giá vàng thế giới biến động ở biên độ rất cao, ảnh hưởng tới giá vàng trong nước. Do đó, người dân cần hết sức thận trọng khi tham gia mua bán vàng.
Trước phản ánh về việc người dân có nhu cầu nhưng vẫn rất khó có thể mua được vàng qua đăng ký online, ông Tuấn thừa nhận hiện tượng đó là có và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Công ty SJC có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Tuấn cho biết, theo phản ánh của các đơn vị, trong những ngày gần đây, xuất hiện tình trạng người dân đặt lệnh mua vàng nhưng không đến lấy vàng. “Điều này thể hiện rõ nhu cầu thị trường đã đạt đến mức độ nhất định” - ông Tuấn nhận xét.
Liên quan tới hiện tượng có người mua bán suất để mua vàng, ông Tuấn cho hay: “Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc cụ thể với các cơ quan công an để đấu tranh cho chuyện này. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC có phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng của ngành Công an ở địa phương và trung ương để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Chúng tôi được biết, các cơ quan chức năng cũng đang triển khai các biện pháp xử lý” - ông Tuấn nói.
Đồng thời ông cho biết, việc phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong quản lý thị trường vàng chưa bao giờ tốt như hiện nay. Từ lực lượng Hải quan, Công an đã bắt nhiều vụ buôn lậu vàng; Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phối hợp trong quản lý hóa đơn; lực lượng Quản lý thị trường cũng vào cuộc…
Về định hướng tới gian tới, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sẽ khái quát để tổng hợp lại thành chính sách mới, tiến hành sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng đảm bảo thị trường vàng phát triển ổn định, bền vững, sát sao hơn với thị trường.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành chức năng đã và đang nghiên cứu để xây dựng chính sách hợp lý đối với quản lý thị trường vàng thời gian tới.
“Cái nào thuộc vai trò quản lý nhà nước thì dứt khoát phải tiếp tục quản lý, đồng thời cũng tạo điều kiện để thị trường thông thoáng. Trên nguyên tắc đó, chúng tôi sửa lại Nghị định 24 nhưng sửa lại như thế nào cho hợp lý nhất, phát huy được vai trò quản lý hiệu quả cũng như đảm bảo sự thông thoáng của nền kinh tế” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Tăng thêm ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù các ngân hàng rất nỗ lực giải ngân, lãi suất cho vay ở mức rất thấp, ngân hàng cho vay gần như không có lãi ở lĩnh vực này, nhưng tiến độ giải ngân gói tín vẫn còn thấp. Đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, do nhiều địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội. Tính đến nay, chỉ có 34/63 địa phương công bố danh mục. Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được công bố, nhiều dự án không có nhu cầu vay vốn hoặc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý như giải phóng mặt bằng và khởi công, dẫn đến không đủ điều kiện vay vốn.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước hàng ngày, hàng giờ theo dõi, đánh giá về tình hình triển khai làm thế nào để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giải ngân tốt nhất.
“Bám sát chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cùng với sự cố gắng làm sao hỗ trợ cho việc phát triển nhà ở xã hội ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân gói 120.000 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ tăng cường ưu đãi cho chương trình này” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm 3%/năm so với mức lãi suất vay thông thường thay vì chỉ giảm 2% như quy định hiện tại; thời gian điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ thay đổi 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần, thời hạn vay ưu đãi kéo dài từ 3 năm lên thành 5 năm. Mức lãi suất trong 5 năm tiếp theo vẫn tiếp tục được giảm tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế thời điểm đó nhưng sẽ thấp hơn từ 1-2%/năm so với cho vay thông thường để tạo điều kiện, giúp người mua yên tâm để vay vốn. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư được giữ nguyên như hiện tại.
“Nếu Chính phủ chấp thuận thì Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai chính sách ưu đãi này cùng với Bộ Xây dựng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Bên cạnh đề xuất cơ chế cởi mở hơn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước đang tham gia gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, còn 4 ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng muốn tham gia gói này với quy mô vốn là 5 nghìn tỷ đồng/ngân hàng. Như vậy có thể sẽ có thêm 20 nghìn tỷ đồng nâng quy mô gói cho vay ưu đãi này lên 140 nghìn tỷ đồng.
Ngoài gói tín dụng trên, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình tham gia vào chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Qua đó hỗ trợ người mua nhà, các nhà đầu tư xây dựng các khu dự án của nhà ở xã hội làm sao có thời gian vay vốn, cơ cấu nguồn vốn cũng như lãi suất một cách phù hợp nhất cho đối tượng này.
“Ngân hàng Nhà nước rất khuyến khích và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại với những cơ chế, chính sách một cách phù hợp, hợp lý để vừa đảm bảo hài hòa được tất cả các yếu tố đặt ra trong vấn đề kiểm soát an toàn, lành mạnh cũng như tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong thời gian tới” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.