Ngành dược "lên hương", DNM vẫn nhận án hủy niêm yết bắt buộc

(Banker.vn) DNM từng được coi là một trong những cổ phiếu "nóng" nhất sàn HNX khi cổ phiếu này có nhịp tăng gần 600% chỉ sau 7 tháng vào năm 2022...

Cổ phiếu từng tăng nóng hơn 600%

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây vừa ra thông báo sẽ hủy niêm yết 5,2 triệu cổ phiếu DNM của Công ty CP Y tế Danameco (HNX: DNM) từ ngày 24/7. Ngày giao dịch cuối cùng là 21/7. Lý do được phía HNX đưa ra là do Danameco có tổng số lỗ lũy kế ngày 31/12/2022 vượt quá vốn điều lệ thực góp. Đây là trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020 của Chính phủ.

Ngành dược
Danameco tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, có lịch sử hoạt động hơn 40 năm trong lĩnh vực sản xuất thuốc, hóa dược, vật tư y tế

Trước đó, cổ phiếu DNM đã bị HNX đưa vào diện cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Đến khi báo cáo tài chính kiểm được công bố, DNM ghi nhận lỗ thêm gần 49 tỷ đồng, nâng tổng lỗ của năm 2022 lên hơn 100 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh kém sắc của DNM kéo dài sang năm 2023. Quý I/2023, DNM lỗ sau thuế gần 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 15 tỷ đồng.

Danameco tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, có lịch sử hoạt động hơn 40 năm trong lĩnh vực sản xuất thuốc, hóa dược, vật tư y tế. Trong thời đại dịch Covid-19 bùng phát, cổ phiếu DNM là một trong những cổ phiếu "nóng" nhất trên sàn chứng khoán. Trước giai đoạn 2020, cổ phiếu này thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá và gần như không có thanh khoản. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1/2020, cổ phiếu này có giá 8.330 đồng/cp.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, thị giá DNM đã liên tục tăng. Chỉ sau 7 tháng, thị giá mã này đã gấp hơn 7 lần lên và đạt đỉnh lịch sử 60.190 đồng/cp với tăng khoản tăng lên vào trăm nghìn khớp lệnh mỗi phiên. Sau đó cổ phiếu có sự điều chỉnh và duy trì được mức giá trên 20.000 đồng/cp trong hơn 2 năm.

Đến tháng 3 năm 2022, cổ phiếu này lại một lần nữa "nổi sóng" khi tăng từ mức 37.500 đồng/cp lên 63.330 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 70% sau nửa tháng. Ngay sau đó thị giá cổ phiếu này đã lao dốc và bị hủy niêm yết như hiện tại.

Ngành dược
DNM là một trong những cổ phiếu "nóng" nhất trên sàn chứng khoán

Hậu kiểm toán lỗ thêm gần 50 tỷ đồng

Theo báo cáo kiểm toán, năm 2022, Danameco lỗ hơn 100,1 tỷ đồng, trong khi năm 2021 doanh nghiệp này vẫn có lãi 24,8 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau một năm, lợi nhuận sau thuế của DNM giảm đến 503%. Đáng chú ý, số liệu trước kiểm toán của DNM ghi nhận khoản lỗ chỉ ở mức 51,6 tỷ đồng. Sau kiểm toán, khoản lỗ này phình to thêm gần 50 tỷ đồng.

Theo giải trình, Danameco cho biết tại thời điểm lập BCTC 2022, doanh nghiệp chưa kịp thời rà soát hết tất cả chi phí trong năm và sai lệch cách hạch toán do có sự thay đổi về nhân sự quản lý. Sau khi nộp BCTC quý IV/2022, công ty đã rà soát lại toàn bộ chi phí, giá thành, giá vốn và điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, công ty điều chỉnh tăng khấu hao và chỉnh lại khấu hao các năm trước của tài sản cố định. Cuối cùng, Danameco điều chỉnh lãi vay cá nhân và đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ kế toán.

Năm 2022, doanh thu của Danameco chỉ đạt 321,2 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch và giảm đến 42% so với kết quả năm 2021. Nợ phải trả đang là 347,3 tỷ đồng, cao gấp 8,2 lần vốn chủ sở hữu, đa số là nợ trong ngắn hạn.

Ngành dược
Hậu kiểm toán, DNM lỗ thềm gần 50 tỷ đồng (Nguồn: BCTC đã kiểm toán DNM)

Đáng chú ý, tại BCTC kiểm toán năm 2022 vừa công bố của DNM, cơ quan kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ. Đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt cho biết không thể tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho vào ngày 31/12/2022, vì thời điểm đó đơn vị chưa được bổ nhiệm làm kiểm toán.

Đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận các khoản nợ phải thu ngắn hạn khách hàng tại thời điểm 31/12/2022 là 17,94 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của DNM đã bao gồm giá vốn hàng bán với số tiền hơn 5,8 tỷ đồng; doanh thu tương ứng với giá vốn này được phản ánh vào kết quả kinh doanh năm 2021. Cơ quan kiểm toán nhận định, việc ghi nhận các giao dịch phát sinh như trên là chưa phù hợp chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, Danameco cho biết vào cuối năm 2022, Danameco đã nỗ lực làm thư xác nhận công nợ khách hàng nhưng do nhiều khía cạnh, phản hồi từ bên khách hàng là một số công ty và bệnh viện thay đổi nhân sự nên chưa kịp thời ký xác nhận công nợ tại thời điểm ra BCTC 2022. Tổng Công ty CP Y tế Danameco sẽ khắc phục, đôn đốc khách hàng ký thư xác nhận vào kỳ BCTC tiếp để chứng minh công nợ phải thu đúng với con số trên BCTC.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 đã bao gồm giá vốn hàng bán với số tiền hơn 5.8 tỷ đồng, doanh thu tương ứng với giá vốn này được ghi nhận năm 2021 và công ty đã phát hành hóa đơn, lập biên bản giao nhận, nghiệm thu hàng hóa và ghi nhận doanh thu bán hàng trong năm 2022 với số tiền hơn 49 tỷ đồng.

Do các đối tác đặt hàng với số lượng lớn, để đảm bảo chắc chắn cho việc thực hiện hợp đồng, kế toán đã xuất hóa đơn và làm các thủ tục giao nhận để thu tiền hàng. Thực tế, hàng vẫn nằm tại kho của Danameco và lập hồ sơ gửi hàng tại kho. Các khách hàng này sau đó đã nhận đủ số hàng theo đúng hóa đơn đã xuất, kế toán đang ghi nhận doanh thu tại thời điểm xuất hóa đơn và giá vốn tại các thời điểm hàng thực tế đi ra khỏi kho.

Theo dự báo của Fitch Solutions, doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 6,7% trong giai đoạn 2022 - 2026 nhờ vào tăng trưởng trong chi tiêu cho sức khoẻ của người dân, nhất là khi quy mô dân số lớn và đang trong quá trình già hóa.

Trong khi đó, Chứng khoán Agriseco đánh giá, triển vọng lợi nhuận ngành dược trong năm 2023 vẫn sẽ ở mức ổn định. Theo Agriseco, ngành dược được biết đến là ngành mang tính phòng thủ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngành dược còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn khi quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn và đang trong quá tính già hóa với tốc độ nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng giúp người dân chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe.

Trong bối cảnh mà ngành dược vẫn được đánh giá cao, sự tụt dốc của DNM càng cho thấy sự yếu kém của doanh nghiệp trong quản trị và xây dựng các kịch bản dự báo, ứng phó phù hợp với các bối cảnh kinh doanh biến động.

Động lực tăng trưởng thấp, chờ đợi sự phục hồi trong nửa sau năm 2023

Dù tăng trưởng kinh tế không quá khả quan, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng sụt giảm, chưa kể là những điểm nghẽn vẫn ...

72 mã chứng khoán bị HNX cắt margin trong quý III/2023

Phần lớn danh sách không được cấp margin trên HNX trong quý III này là các cổ phiếu nằm trong diện bị cảnh báo hoặc ...

Phiên giao dịch ngày 7/7/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán