Ngân hàng Nhà nước bắt đầu can thiệp mua ngoại tệ, bơm ròng tiền đồng

(Banker.vn) Sau nhiều tháng để trống, hôm nay 15/12, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại kênh giao dịch mua ngoại tệ với tỷ giá tham khảo ở mức 23.450 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước hút ròng 20.000 tỷ đồng từ thị trường Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc tăng lãi suất? Nóng: Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước đã công bố giá mua vào ngoại tệ ở mức 23.450 đồng/USD sau khoảng 3 tháng cơ quan này không niêm yết giá mua. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước bắt đầu động thái mua vào ngoại tệ can thiệp do thanh khoản ngoại tệ đã bớt căng thẳng, và bơm tiền VND ra thị trường.

Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá mua vào đồng bạc xanh tại Sở giao dịch đã diễn ra từ ngày 6/9 với mức 22.550 đồng/USD. Từ đó đến nay, trong khi giá bán USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước biến động mạnh (tăng lên 24.870 đồng/USD rồi giảm về 24.830 đồng/USD), giá mua vào đồng ngoại tệ này vẫn bị Ngân hàng Nhà nước bỏ trống.

Trong đó, nguyên nhân nhà điều hành ngừng niêm yết tỷ giá mua can thiệp giai đoạn này do thanh khoản thị trường ngoại tệ căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước liên tục phải bán USD ra để đáp ứng nhu cầu từ thị trường. Phải đến phiên 15/12, nhà điều hành mới trở lại kênh giao dịch mua ngoại tệ với mức giá 23.450 đồng/USD.

Cũng trong sáng nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.652 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD so với phiên giao dịch trước. Đây đã là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số điều hành tỷ giá ngoại tệ này, xét trên biểu đồ hàng ngày, tỷ giá trung tâm cũng đang trong xu hướng giảm 5 tuần liên tiếp.

Với biên độ dao động +/-5% theo tỷ giá trung tâm, giá mua - bán tối thiểu các ngân hàng thương mại được giao dịch với đồng bạc xanh hôm nay là 22.469 đồng/USD và tối đa là 24.835 đồng/USD.

Ghi nhận tỷ giá VND/USD trong ngày tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng được điều chỉnh giảm từ 10-40 đồng. Cụ thể, vào khoảng 15 giờ, ngân hàng BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 23.380 đồng/USD mua vào và 23.660 đồng/USD bán ra, giảm 35 đồng cả 2 chiều mua và bán. ACB giảm 30 đồng giá mua và giữ nguyên giá bán ở mức 23.390 đồng/USD mua vào và 23.800 đồng/USD bán ra.

Biến động tỷ giá tác động thế nào tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu can thiệp mua ngoại tệ, bơm ròng tiền đồng

Các ngân hàng thương mại cho biết, Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương án mua ngoại tệ can thiệp từ hôm nay, áp dụng với các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Mức ngoại tệ mua tối đa từ mỗi tổ chức tín dụng mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng đó về mức cân bằng. Hình thức mua can thiệp ngoại tệ là giao ngay.

Các chuyên gia nhận định, động thái mua can thiệp tỷ giá trở lại của Ngân hàng Nhà nước cho thấy thanh khoản thị trường ngoại tệ đã bớt căng thẳng. Trong khi thời gian trước đó, do áp lực của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bán ngoại tệ ra thị trường để can thiệp. Thanh khoản ngoại tệ bớt căng thẳng do một số nguyên nhân: Tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ lãi suất huy động tiền gửi bằng VND hiện đang ở mức cao, trong khi giá USD cũng đang ở giá cao khiến nhiều người dân nắm giữ USD bán cho ngân hàng thương mại để chuyển sang gửi VND lợi hơn. Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ dịp cuối năm cũng dồi dào hơn do xuất khẩu, kiều hối, giải ngân vốn FDI, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân.... cũng đã giúp một số ngân hàng bắt đầu dư thừa thanh khoản ngoại tệ.

Đối với thị trường liên ngân hàng phiên hôm qua, tỷ giá chốt phiên với mức 23.555 VND/USD, giảm 45 đồng so với phiên 13/12.

Với tiền đồng, trên thị trường liên ngân hàng đêm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng bằng VND giảm 0,02 - 0,22 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Hiện lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng là ON 5,28%/năm.

Trên thị trường mở, phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%; chào thầu 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 7,307,44 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn, kỳ hạn 91 ngày trúng thầu với lãi suất 6,5%; có 11.614,09 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, có 9.999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.693,25 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 77.559,76 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 10.000 tỷ đồng.

Không chỉ giá USD ngân hàng giảm nhiệt mà tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm 15 đồng so với hôm trước. Giá bán USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ đang giao dịch phổ biến ở mức 24.060 đồng/USD mua vào và 24.130 đồng/USD bán ra. Mức giá này đã giảm nhiều so với giá đỉnh được ghi nhận vào tháng 10/2022 ở mức hơn 25.500 đồng/USD.

Trên thị trường quốc tế, kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, trong 14/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 4,25 - 4,5%/năm, đây là mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. FED dự kiến sẽ tăng thêm tổng cộng ít nhất 0,75 điểm % nữa trong năm 2023; đồng thời dự báo lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này là 5,1% thiết lập trong năm 2023, cao hơn dự báo của giới đầu tư trước cuộc họp của FED.

Sau công bố của FED, giá đồng USD đã giảm nhẹ, chỉ số USD-Index xuống còn 103,75 điểm, giảm 0,2 điểm. Giá USD giảm do lãi suất diễn ra đúng như những gì dự báo. Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất 0,5%, Fed có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 và chỉ quay đầu giảm lãi suất trong năm 2024.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương