MB tăng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng, cao thứ 5 toàn ngành ngân hàng

(Banker.vn) Sau khi hoàn tất phát hành ESOP, vốn điều lệ của MB đã tăng lên 53.063 tỷ đồng, đứng thứ 5 toàn ngành ngân hàng, chỉ sau VPBank và 3 “ông lớn” trong nhóm Big 4 gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) vừa công bố hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, MB đã phát hành xong toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu ESOP đã đăng ký, Giá bán cổ phiếu ESOP là 10.000 đồng/cp, giúp vốn điều lệ tăng thêm 192,4 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng.

MB tăng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng, cao thứ 5 toàn ngành ngân hàng
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB).

Những cổ phiếu ESOP mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành. Khi kết thúc năm thứ 3, 50% số cổ phiếu sẽ được giải tỏa và 100% số cổ phiếu sẽ được giải tỏa khi kết thúc năm thứ 5.

Sau khi hoàn tất phát hành ESOP, vốn điều lệ của MB đã tiến ngay sát với vốn điều lệ của VietinBank (53.700 tỷ đồng), tiếp tục đứng thứ 5 toàn ngành ngân hàng, chỉ sau VPBank và 3 “ông lớn” trong nhóm Big 4 gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Phương án phát hành ESOP lần này đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 thông qua nhưng chưa triển khai trong năm ngoái mà lùi đến năm nay.

Dự kiến trong năm 2024. MB còn hai cấu phần tăng vốn khác là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (thêm gần 8.000 tỷ đồng) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ (thêm 620 tỷ đồng). Tổng vốn điều lệ của MB sau khi hoàn thành tất cả những kế hoạch trên sẽ là 61.643 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, MB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 9.062 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động ghi nhận ở mức 3.514 tỷ đồng, giảm khoảng 54 tỷ đồng so với quý đầu năm 2023.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của MB trong quý I/2024 đạt 5.795 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.624 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí dự phòng rủi ro quý đầu năm nay của MB tăng mạnh từ gần 1.850 tỷ đồng lên 2.707 tỷ đồng Chi phí dự phòng tăng lên trong bối cảnh số dư nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng rất mạnh.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng số dư nợ xấu tại MB là 15.294 tỷ đồng, tăng 56% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ gần 2.890 tỷ đồng (cuối năm 2023) lên 6.048 tỷ đồng (cuối quý I/2024). Tỷ lệ nợ xấu của MB ở mức 2,49%.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Chứng khoán Vietcap, việc phân loại nhóm nợ theo CIC dẫn đến mức tăng khoảng 80 điểm cơ bản trong tỷ lệ nợ xấu quý 1/2024 của MB, chủ yếu do một khách hàng doanh nghiệp quan trọng bị ngân hàng khác hạ xếp hạng, tuy nhiên doanh nghiệp này không được nêu rõ trong thông báo của Vietcap.

“Khách hàng này vẫn có dòng tiền và đang duy trì thanh toán cho MB, hiện ngân hàng đang làm việc với khách hàng doanh nghiệp này và ngân hàng liên quan để giải quyết và kỳ vọng nhóm nợ của khách hàng này có thể trở lại với mức cũ. MB ước tính tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phân loại lại theo CIC trong quý 2/2024, khoảng 20 điểm cơ bản”, thông báo của Vietcap nêu rõ.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 14h40 phiên giao dịch ngày 14/6, cổ phiếu MBB đang được giao dịch ở mức 23.400 đồng/cp, tăng khoảng 25% so với thời điểm hồi đầu năm.

Techcombank (TCB) phát hành 3,5 tỷ cổ phiếu thưởng, đưa ngân hàng lên TOP2 về vốn điều lệ

Techcombank (TCB) chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100%.

Lộ diện TOP 10 ngân hàng sẽ có vốn điều lệ cao nhất sau kế hoạch tăng vốn 2024

Năm 2024, có 23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng

Thu Thảo

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục