Mặt trái trong thu hút FDI chậm được khắc phục

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và vẫn sẽ là rất quan trọng với Việt Nam. Nhưng cũng đã có những dự án không mang lại hiệu quả khi thua lỗ nhiều, lại có những dự án đầu tư chui, đầu tư núp bóng, có dự án để lại những hậu quả xấu về môi trường...

64% số doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế

Mặc dù năm 2020 là quá khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và nhiều địa bàn trong cả nước, hàng loạt doanh nghiệp dừng sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Nhưng con số có hơn 16.000 doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế - chiếm tới 64% số doanh nghiệp FDI có báo cáo lập tức đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Đây là số liệu được dẫn ra từ một báo cáo của Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 2/2022.

Cũng theo báo cáo này, 14.108 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI báo lỗ chiếm 56% số doanh nghiệp có báo cáo. Và đến hết năm 2020, có 4.250 DN có vốn chủ sở hữu âm, chiếm 16,9% số doanh nghiệp có báo cáo. Giá trị vốn chủ sở hữu âm là 141.274 tỷ đồng.

Thua lỗ trong năm 2020 thì nguyên nhân có thể nói được là do đại dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng toàn cầu. Nhưng nếu xem xét kỹ, có không ít doanh nghiệp FDI đã thua lỗ liên tục trong nhiều năm.

Đơn cử như Công ty Airpay và Công ty Shopee là những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành "Viễn thông, phần mềm". Đây là nhóm ngành phát triển mạnh trong thời kỳ COVID-19 với nhu cầu mua bán online, thương mại điện tử tăng mạnh. Mức tăng doanh thu của cả hai DN là 2.964 tỷ đồng, chiếm tới 58% vào sự tăng trưởng doanh thu toàn ngành. Nhưng cả hai đều cùng báo lỗ liên tục trong hai năm doanh thu tăng cao đó. Công ty Shopee báo lỗ mất vốn.

Từ những trường hợp này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp FDI có quy mô vốn lớn chưa hẳn là đã có đóng góp tích cực hơn cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Và không thể không đặt câu hỏi về hiệu quả thực sự của nhiều DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Họ đóng góp được những gì cho Việt Nam?.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm nhưng tỷ lệ DN báo lỗ, DN lỗ lũy kế, DN lỗ mất vốn vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Thực tế cho thấy vẫn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu NSNN, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh.

Đầu tư chui, đầu tư núp bóng, FDI bộc lộ mặt trái

Nhìn lại cả quá trình thu hút FDI hơn 35 năm qua, TS. Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đồng chủ biên cuốn Báo cáo thường niên về FDI khẳng định rằng, đến nay, các mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI chậm được khắc phục, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, trật tự xã hội và quốc phòng-an ninh.

Một trong những mặt trái đó là một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, tiến hành thủ tục vay vốn, hợp thức hoá các hợp đồng mua bán thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu kém chất lượng hoặc nâng khống giá trị rồi chuyển tiền vay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Chủ doanh nghiệp thì bỏ trốn về nước, không nộp thuế cho nhà nước, để lại khối nợ ngân hàng và nợ bảo hiểm của người lao động.  

Một số doanh nghiệp FDI vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, sử dụng lao động nước ngoài trái phép, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội. Không ít doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam để lại hệ lụy về môi trường ở một số địa điểm, tác động lâu dài đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực, gây xung đột lợi ích giữa các ngành sản xuất, chế biến với ngành nông nghiệp, du lịch, cũng như giữa doanh nghiệp FDI với cộng đồng dân cư.

Thực trạng đòi hỏi phải nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý và giám sát các dự án FDI. Xác định như vậy nhưng làm được không dễ khi mà cơ quan quản lý đầu tư ở địa phương chưa kết nối được trực tiếp với các doanh nghiệp FDI, chưa nắm được chính xác số liệu vốn thực hiện của từng doanh nghiệp nên việc giám sát dự án không hiệu quả, TS. Ngô Công Thành, thành viên Hội đồng biên soạn cuốn Báo cáo thường niên về FDI cho biết.

Bên cạnh đó, phân công, phân cấp, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư còn phân tán, thiếu chặt chẽ và bất cập.

Điều các chuyên gia mong mỏi là cần xây dựng được một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về FDI thống nhất, thông suốt và tích hợp đa ngành. Không có hệ thống thông tin kết nối nên quản lý dự án đầu tư còn nhiều bất cập, để lọt lưới một số dự án chưa đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, chưa phù hợp với quy hoạch (như một số dự án cảng biển, xi măng, thép...).  

Các chuyên gia mong rằng thể chế liên quan đến FDI tiếp tục hoàn thiện, hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước được nâng cao. Quan trọng nhất là đội ngũ quản lý nhà nước phải là những con người thực sự tâm huyết về FDI, đau đáu về đất nước và mang khát vọng về một đất nước tự cường.

Cũng cần nói thêm rằng, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về chống chuyển giá, trốn thuế làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp liên kết và giao dịch liên kêt.

Đồng thời đề nghị cơ quan đăng ký đầu tư tại các địa phương tăng cường công tác giám sát, đánh giá các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có chỉ tiêu nợ phải trả lớn, nhiều biến động, qua đó phân tích làm rõ các yếu tố tác động đến việc gia tăng nợ phải trả để có biện pháp quản lý phù hợp.

Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” (NQ50), trong giai đoạn 2021-2030 xác định các mục tiêu FDI tại Việt Nam phải đạt được:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm);

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với 2018;

 - Tỷ lệ nội địa hóa tăng 20-25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030;

- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% vào năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. Mục tiêu trên của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gắn kết với mục tiêu phát triển cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn:

 - Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;

- Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao

Theo: