Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2025: Kinh doanh bảo hiểm, thuế, điện…có gì mới?

(Banker.vn) Từ tháng 2/2025, hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân. Các quy định mới về xử phạt kinh doanh bảo hiểm, đăng ký thuế, xử lý tiền giả và giá điện đặt ra yêu cầu tuân thủ chặt chẽ hơn. Việc nắm bắt kịp thời sẽ giúp tránh rủi ro pháp lý.

Xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm lên tới 200 triệu đồng

Một trong những chính sách quan trọng là Nghị định số 174/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2024, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này sẽ bị xử phạt, với mức phạt tối đa lên đến 200 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/2/2025.

Nghị định này đưa ra các quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt. Đối với mỗi hành vi vi phạm, tổ chức và cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền, trong đó mức phạt đối với tổ chức sẽ bằng hai lần mức phạt đối với cá nhân. Cụ thể, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng, còn tổ chức có thể chịu mức phạt tối đa 200 triệu đồng.

Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2025: Kinh doanh bảo hiểm, thuế, điện…có gì mới?
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2025

Quy định mới về đăng ký thuế

Bên cạnh chính sách xử phạt trong lĩnh vực bảo hiểm, quy định về đăng ký thuế cũng có sự điều chỉnh đáng chú ý. Theo Thông tư 86/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 23/12/2024, có hiệu lực từ ngày 6/2/2025, các đối tượng đăng ký thuế được chia thành hai nhóm chính:

Nhóm thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông theo điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.

Nhóm thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm:

Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh.

Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hướng dẫn xử lý tiền giả, tiền nghi giả

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa ban hành Thông tư số 58/2024/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, hướng dẫn chi tiết việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong giao dịch tài chính.

Theo Thông tư, khi phát hiện tiền nghi giả trong giao dịch tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tạm thu giữ, lập biên bản theo mẫu và chuyển hồ sơ giám định trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ.

Cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả hoặc tiền nghi giả cần lập hồ sơ đề nghị giám định và nộp trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, Cục Phát hành và Kho quỹ tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh. Hồ sơ bao gồm giấy đề nghị giám định và hiện vật là tiền nghi giả cần giám định. Sau tối đa 2 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành giám định, kết quả sẽ được thông báo bằng văn bản. Việc giám định này hoàn toàn miễn phí.

Chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện

Cùng với các chính sách trên, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. Đây là nội dung được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và có nhiều điểm thay đổi quan trọng.

Theo quy định mới tại khoản 12 Điều 5, chính sách giá điện sẽ phải phản ánh chi phí hợp lý của hoạt động sản xuất và kinh doanh điện, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành điện một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, giá điện sẽ tiếp tục được điều tiết theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát của Nhà nước nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Một điểm đáng chú ý là chính sách giá điện mới sẽ hướng đến việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia hoặc chưa đủ điều kiện tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đồng thời, mức giá điện cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Với hàng loạt chính sách quan trọng sắp có hiệu lực, doanh nghiệp và cá nhân cần chủ động cập nhật thông tin để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và sinh hoạt, tránh các vi phạm hành chính không đáng có.

Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội năm 2025

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BLĐTBXH, quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu ...

Chính sách bảo hiểm y tế mới từ 1/7/2025: 5 nhóm đối tượng được hưởng 100% chi phí

Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. So với luật hiện hành, chính sách mới ...

Quang Vinh

Quang Vinh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục