Lãi suất tiết kiệm lại tăng trên diện rộng

(Banker.vn) Khảo sát mới nhất tháng 9, tiếp tục có thêm một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền VND. Đáng chú ý, đã có ngân hàng thuộc nhóm ''Big 4'' tăng mạnh lãi suất với tiền gửi trực tuyến.
Lãi suất tiết kiệm lại tăng trên diện rộng (Ảnh minh họa)
Lãi suất tiết kiệm lại tăng trên diện rộng (Ảnh minh họa)

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) thông báo tăng lãi suất gửi tiết kiệm kiệm trực tuyến với tại tất cả các kỳ hạn. Theo đó, Bản Việt điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất đối với tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 tháng lên mức 7,3%/năm, tăng 0,3%/năm so với trước đó. Đây cũng đang là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này.

Đối với kỳ hạn từ 6-12 tháng, lãi suất tăng thêm 0,2%/năm, dao động từ 6,6-7,1%/năm; kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng tăng lãi suất thêm 0,05%/năm, lên mức 4%/năm.

Đặc biệt, nếu khách hàng tham gia sản phẩm Tiết kiệm linh hoạt với kỳ hạn ngày từ 184 ngày trở lên: mức gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng lãi suất áp dụng 6,7%/năm, với mức gửi từ 300 triệu đồng trở lên lãi suất áp dụng 6,8%/năm.

Đáng chú ý trong lần điều chỉnh này còn có ngân hàng lớn thuộc nhóm ''Big 4''. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay đang triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay.

Cụ thể, tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,4%/năm đối với khoản tiền gửi dưới 5 tỷ đồng và 0,5%/năm đối với khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên. Với các kỳ hạn dài hơn 13, 18, 24 tháng, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,4%/năm so với gửi tại quầy, không yêu cầu số tiền gửi.

Như vậy, khi gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1-6 tháng sẽ rơi vào khoảng 3,5-4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6-6,1%/năm. Lãi suất ở các kỳ hạn 13,18 và 24 tháng khi gửi online sẽ là 6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất trong các ngân hàng TMCP Nhà nước.

Chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm của VietinBank. (Nguồn: VietinBank).
Chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm của VietinBank. (Nguồn: VietinBank).

Một ngân hàng tư nhân lớn khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã công bố khung lãi suất mới tăng ở nhiều kỳ hạn đối với cả hình thức gửi tiền tại quầy và gửi online.

Theo đó, ngân hàng điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,2%/năm - 0,45%/năm lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất hiện đang cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Với khách hàng gửi tiết kiệm tại kỳ hạn dài hơn từ 13 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiết kiệm nằm trong khoảng 6,1%/năm - 6,5%/năm, tăng từ 0,1 đến 0,2 điểm % so với hồi tháng 8.

Trong tháng 9, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng công khai biểu lãi suất đã được điều chỉnh tăng tại nhiều kỳ hạn trong tháng này. Theo đó, lãi suất huy động cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng ghi nhận tăng 0,1 điểm % so với tháng trước lên 4%/năm. Khách hàng khi gửi tiền có kỳ hạn 6 - 9 tháng sẽ hưởng lãi suất 6,5%/năm, tăng khoảng 0,1 đến 0,15 điểm %.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất như Ngân hàng Bản Việt, MB, ACB,... Tại MB, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,2%/năm đến 0,5%/năm ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Đáng chú ý, tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng mạnh 0,95% từ 5,75% lên 6,8%/năm.

Đặc biệt, ABBank có lãi suất cao lên 8,8%/năm tại kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với tháng trước đó…

Theo thống kê của Chứng khoán Agribank (Agriseco), 6 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trước nguy cơ lạm phát cùng việc chịu áp lực thanh khoản hệ thống khi tăng trưởng tín dụng luôn duy trì cao hơn tăng trưởng huy động.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt mức 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, dao động từ 5,5 - 7,55% một năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7% so với đầu năm.

Giới chuyên gia cho rằng động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian qua có thể nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) để tránh việc mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, tăng lãi suất huy động còn để kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết việc tăng lãi suất huy động còn nhằm mục đích chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm ngay khi được Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 - 70 điểm cơ bản nếu hạn mức tín dụng được nới. Như vậy, lãi suất huy động trong cả năm 2022 có thể tăng từ 1 - 1,5%.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán