Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ điều chỉnh như thế nào?

(Banker.vn) Sáng ngày 20/9, Bộ GD&ĐT tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đính chính thông tin môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ như thế nào?

Thông tin về công tác tổ chức kỳ thi năm 2024, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023 về hình thức tổ chức, mô hình; tuy nhiên sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ điều chỉnh như thế nào?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ có sự điều chỉnh. Ảnh minh họa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất giữ ổn định các nội dung tổ chức thi, không gây xáo trộn cho thí sinh. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung nghiên cứu, chuẩn bị tốt nhất cho đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ; trong đó một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn.

Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

Đối tượng dự thi gồm: Người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT; hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT; người học đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Người học đăng ký dự thi theo cơ sở giáo dục nơi học xong lớp 12 trong năm tổ chức kỳ thi hoặc tại địa điểm do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định. Hồ sơ đăng ký dự thi được chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo để xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức thi...

Tâm An

Theo: Báo Công Thương