Hà Giang: Hơn 860.000 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(Banker.vn) Thời gian qua, tỉnh Hà Giang tăng cường thực hiện các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tại địa phương.
Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện Bắc Ninh: Tặng sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế cho hoàn cảnh khó khăn

Quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người dân luôn được đảm bảo

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 15/12/2022, tỉnh Hà Giang có 869.600 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đạt 99,45% kế hoạch được giao. Cụ thể, bảo hiểm y tế đã đạt và vượt kế hoạch với tỷ lệ 100,41% (vượt 3.535 người); ước đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ bao phủ 97,39% dân số. Về thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã đạt 94,69% kế hoạch; tuy nhiên tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn khá cao, chiếm 3,57% so với số phải thu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết, trong năm 2022, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã thực hiện 38 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 175 đơn vị (đạt 100% kế hoạch). Từ đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phát hiện 406 trường hợp sai phạm về đối tượng đóng, mức đóng, thực hiện truy thu số tiền 1.428 triệu đồng. Số tiền truy đóng là 1.106 triệu đồng, đạt 77,45% so với số cần phải truy thu.

Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Giang cũng tổ chức rà soát các đơn vị nợ trên 3 tháng để thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất theo quy định, trong đó đã tiến hành 2 cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 3 đơn vị, thu hồi số tiền nợ là 249 triệu đồng. Về đôn đốc thu hồi nợ, toàn tỉnh Hà Giang đã thu hồi được 3.177 triệu đồng, đạt tỷ lệ 78,37%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo bà Hương, ước tính thực hiện đến hết ngày 31/12/2022, Bảo hiểm Xã hội tỉnh thực hiện giải quyết chế độ cho 4.023 hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội. Đến nay, đơn vị đã giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức - phục hồi sức khỏe cho 5.624 lượt người. Thực hiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 22 cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo thanh toán bảo hiểm y tế cho khoảng 853.829 lượt khám chữa bệnh; tổng số chi hiện chiếm 94,25% dự toán Chính phủ giao năm 2022.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Thống kê sơ bộ cho thấy, tỉnh Hà Giang hiện có khoảng 15.000 người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố như Thái nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai…); điều nay gây khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngoài ra, theo Bảo hiểm Xã hội Hà Giang, việc tổ chức hội nghị khách hàng để vận động bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng rất khó khăn do thu nhập của người dân trên địa bàn khá thấp. Mặc dù tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, nhưng đa số người tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn hỗ trợ khác (chiếm 83% dân số toàn tỉnh).

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Cùng với những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022, Bảo hiểm Xã hội Hà Giang đã triển khai đồng loạt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống. Theo đó, ngay sau Nghị quyết 18-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nội dung nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng mục tiêu chuyển đổi số.

Trên cơ sở rà soát từng quy trình, thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc thí điểm sử dụng Căn cước công dân gắn chíp, Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ban hành Công văn số 335/BHXH-CNTT về việc triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Công văn số 1207/BHXH-CNTT về việc đẩy mạnh triển khai thí điểm sử dụng Căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Từ đó, người dân tham gia bảo hiểm y tế có thể sử dụng Căn cước công dân có gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID đi khám chữa bệnh thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh có bệnh nhân sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 21.986 lượt người sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh và hệ thống tra cứu trả kết quả thành công.

Để tăng cường công tác quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh kết nối dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đến Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Giang; từng hồ sơ khám chữa bệnh, từng loại dịch vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế sử dụng đều được theo dõi, quản lý trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Song song với đó, người bệnh được cung cấp đầy đủ thông tin chi phí khám chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả và tham gia giám sát quyền lợi được hưởng. Nhờ việc sử dụng hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế nên các chi phí ngoài quy định cũng như tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ đã được cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện và xử lý kịp thời; đồng thời còn giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi khám chữ bệnh và thanh toán viện phí.

Triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Hà Giang đã có 440.896 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số - VssID, đã có 85.105 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cài đặt và sử dụng VssID, chiếm 10% tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn tỉnh, với 95% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã cài đặt và sử dụng VssID.

Nhật Khôi

Theo: Báo Công Thương