Giá thép hôm nay ngày 4/7/2023: Ghi nhận giảm, thép trong nước chịu áp lực lớn từ thép Trung Quốc

(Banker.vn) Giá thép hôm nay ngày 4/7/2023 ghi nhận trong nước giảm, tiêu thụ ảm đạm. Thép trong nước còn chịu thêm áp lực với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giá thép hôm nay 1/7/2023: Giá thép tăng phiên thứ tư liên tiếp trên sàn giao dịch Giá thép hôm nay 2/7/2023: Giá thép tiếp tục tăng, xuất khẩu thép Trung Quốc tăng vọt Giá thép hôm nay ngày 3/7/2023: Giá thép kỳ hạn tăng; cổ phiếu một doanh nghiệp tăng 40%

Giá thép giảm 32 nhân dân tệ/tấn trên sàn giao dịch

Giá thép hôm nay giao tháng 10/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 32 nhân dân tệ xuống mức 3.714 nhân dân tệ/tấn.

Thép trong nước chịu áp lực lớn với thép nhập khẩu từ Trung Quốc

Hiện Trung Quốc chiếm tới hơn 50% lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy sản xuất thành phẩm của các doanh nghiệp thành viên trong 5 tháng đầu năm nay đạt 11,091 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2022; bán hàng thép thành phẩm đạt 10,4 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhưng nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam từ tháng 1 - 4.2023 khoảng 3,769 triệu tấn với trị giá hơn 3,162 tỉ USD, giảm 5,15% về lượng và giảm 24,36% về giá trị.

Trong số này, sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng lượng hàng nhập vào Việt Nam. Năm 2022, số liệu từ Tập đoàn SUMEC (Trung Quốc) cho biết Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 mua thép các loại của Trung Quốc với hơn 5,46 triệu tấn, chiếm 10% tổng lượng thép xuất khẩu của nước này. Lượng sắt thép mua từ Trung Quốc chiếm 46% tổng sản phẩm nước ngoài nhập vàoViệt Nam trong năm qua. Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sang Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Tài chính, hiện Việt Nam đang nhập khẩu hơn 8 triệu tấn cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó là nhập từ Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp sản xuất trong nước cho hay hiện thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0%. Đặc biệt, nhiều sản phẩm thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng đang được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định ACFTA mà Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia. Đó là lý do thép Trung Quốc đang ồ ạt "chảy" vào Việt Nam.

6 tháng đầu năm, thép trong nước đã có 12 phiên giảm liên tiếp. Nguyên nhân là do nguyên liệu đầu vào giảm, bên cạnh đó chính là sức ép giảm giá của thép nhập khẩu. Dù đã giảm 12 phiên liên tiếp, giá thép xuống thấp về mức quanh 14 triệu đồng/tấn, nhưng thép trong nước vẫn loay hoay trong với lượng tiêu thụ ảm đạm, tồn kho lớn và do phải cạnh tranh với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giá thép trong nước giảm tiếp lần thứ 12, xuống dưới 14 triệu đồng/tấn

Ngày 21/6, giá thép trong nước giảm tiếp lần thứ 12. Việc giảm giá này cũng không nằm ngoài dự đoán về xu hướng giá thép từ nay đến cuối năm của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Giá thép hôm nay ngày 4/7/2023: Ghi nhận giảm, thép trong nước chịu áp lực lớn từ thép Trung Quốc
Thép trong nước đang phải chịu áp lực lớn từ thép Trung Quốc nhập khẩu

Trước đó, VSA đã nhận định, giá thép giảm liên tiếp trong thời gian gần đây do mấy nguyên nhân cơ bản: thứ nhất là cùng chung đà giảm của thế giới. Hiện giá thép Trung Quốc đã giảm rất sâu nên các doanh nghiệp thép trong nước cũng phải giảm giá để có thể cạnh tranh được, nhất là với thép Trung Quốc xuất khẩu. Thứ hai, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thép cũng đang trong xu hướng giảm.

Như vậy tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 12 đợt điều chỉnh giảm, tuỳ thương hiệu sẽ có tần suất điều chỉnh giá khác nhau.

Riêng trong tháng 5, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần với tần suất giảm 1 lần/tuần, với các mức giảm 100.000 - 200.000 đồng/tấn/lần tùy chủng loại sản phẩm, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.

Sau đợt điều chỉnh mới, giá thép của các thương hiệu trong nước giảm về khoảng 14 triệu đồng/tấn, cụ thể như sau:

Giá thép tại miền Bắc

Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát giảm giá bán, với dòng thép cuộn CB240 giảm 250 đồng xuống ở mức 14.040 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210 đồng, hiện có giá 14.480 đồng/kg.

Thương hiệu thép Việt Ý cũng điều chỉnh giảm, với thép cuộn CB240 giảm 200 đồng có giá 13.740 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150 đồng, ở mức 14.240 đồng/kg.

Thép Việt Đức, với thép cuộn CB240 ở mức 13.840 đồng/kg - giảm 200 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.340 đồng/kg - giảm 220 đồng.

Thép Việt Sing đồng loạt giảm 200 đồng, với thép cuộn CB240 xuống mức 14.010 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.160 đồng/kg.

Thép VAS giảm sâu, hiện thép cuộn CB240 giảm 510 đồng, từ mức 14.360 đồng/kg xuống còn 13.850 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 250 đồng, hiện có giá 14.010 đồng/kg.

Thép Việt Nhật giảm 400 đồng, với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.060 đồng/kg; còn dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.910 đồng/kg.

Giá thép tại miền Trung

Thép Hòa Phát đồng loạt giảm 200 đồng, với dòng thép cuộn CB240 xuống mức mới 13.840 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.340 đồng/kg.

Thép Việt Đức giảm 200 đồng, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.240 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.770 đồng/kg.

Thép VAS, hiện dòng thép cuộn CB240 giảm 350 đồng, xuống ở mức 14.060 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 540 đồng, hiện có giá 14.110 đồng/kg.

Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.790 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.200 đồng/kg.

Giá thép tại miền Nam

Thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm, thép cuộn CB240 giảm 170 đồng, xuống ở mức 14.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.440 đồng/kg - giảm 200 đồng.

Thép VAS, dòng thép cuộn CB240 giảm 160 đồng, xuống mức mới 13.850 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá mới sau khi giảm 13.980 đồng/kg.

Thép Pomina, dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.790 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.200 đồng/kg.

Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương