Giá thép hôm nay 18/8/2022: Tiếp đà giảm, thị trường xuất khẩu tăng mạnh

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 9h30 ngày 18/8 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tiếp tục giảm và xuống mức 4.109 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát. Thị trường thép xây dựng trong nước chững lại, các nhà máy tăng cường xuất khẩu để giảm tồn kho. Động lực này giúp sản lượng xuất khẩu thép xây dựng liên tục tăng trong ba tháng gần đây.

Giá thép hôm nay 15/8/2022: Khởi sắc ngày đầu tuần

Thép trong nước hạ giá lần thứ 14: Giảm đến 510.000 đồng/tấn

Giá thép hôm nay 17/8/2022: Dứt đà tăng, giảm về mức 4.106 nhân dân tệ/tấn

Theo Morgan Stanley, giá quặng sắt sẽ tiếp tục đối mặt với sóng gió vào cuối năm khi hy vọng về sự phục hồi sắp xảy ra đối với nhu cầu thép của Trung Quốc giảm dần và các dấu hiệu về thị trường cung vượt cầu xuất hiện.

Triển vọng giảm giá trái ngược với sự lạc quan của các nhà giao dịch hồi đầu năm rằng, sự hỗ trợ chính sách từ Bắc Kinh sẽ kéo lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của nền kinh tế thoát khỏi tình trạng sụt giảm và làm tăng nhu cầu thép trong nửa cuối năm.

Điều này đã đẩy giá quặng sắt lên mức cao nhất năm Dương lịch là 147,36 USD/tấn vào đầu tháng 3, song giá đã giảm 40% xuống mức thấp nhất là 88,18 USD/tấn vào cuối tháng 7 do những hy vọng đó đã trở nên khó nắm bắt. Hiện, giá đã phục hồi nhẹ lên 103,52 USD/tấn.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Xuất khẩu quặng sắt của Australia vẫn tăng 5,5% lên 15,5 tỷ USD trong tháng 6, giúp quốc gia này đạt thặng dư thương mại kỷ lục. Than đã vượt qua mặt hàng rời để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này trong tháng 5, nhưng điều đó đã đảo ngược vào tháng 6 với xuất khẩu than giảm xuống còn 14,35 tỷ USD.

Giá quặng sắt sụt giảm minh họa câu chuyện hai nửa, với thị trường quặng sắt chuyển từ thâm hụt trong 6 tháng đầu năm thành dư cung. Điều này được nhấn mạnh bởi lượng hàng tồn kho tại cảng của Trung Quốc giảm 27 triệu tấn trong nửa đầu năm, nhưng tăng thêm 11 triệu tấn cho đến nay trong nửa cuối năm.

Động lực nguồn cung thay đổi đồng thời với các dấu hiệu cho thấy sản lượng thép của Trung Quốc giảm mạnh do các nhà máy phải vật lộn với biên lợi nhuận yếu. Đây là lý do khiến sản lượng của các nhà máy thành viên Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) đạt mức thấp nhất theo ghi nhận kể từ tháng 11/2021 vào cuối tháng 7, theo AFR.

Tại thị trường trong nước, giá thép tiếp tục điều chỉnh giảm lần thứ 14 vào chiều ngày 15/8. Cụ thể, theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép miền Nam điều chỉnh giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 15,12 triệu đồng/tấn và 15,73 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,57 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 14,67 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 310.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và giảm 350.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,15 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức cũng thực hiện giảm 310.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và 400.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.

Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu thép Kyoei cũng được giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 290.000 đồng/tấn, về mức giá 14,7 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Nhật cũng tiến hành giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn với 2 sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,44 triệu/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, thép Việt Mỹ cũng thực hiện hạ giá bán sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300 tại khu vực miền Trung với mức giảm lần lượt là 310.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn, giá bán còn 14,44 triệu đồng/tấn và 14,8 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Pomina cũng hạ giá với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Nam với cùng mức giảm 710.000 đồng/tấn, kéo giá bán xuống còn 15,28 triệu đồng/tấn và 15,48 triệu đồng/tấn.

Như vậy, đây là lần giảm thứ 14 của giá thép trong nước kể từ 11/5 và lần giảm giá thứ 3 trong tháng 8. Trong vòng hơn 3 tháng qua, giá thép liên tục giảm với mức giảm giá cao nhất lên tới hơn 5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Hiện giá thép dao động quanh mốc 14-15 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.

Xuất khẩu thép xây dựng bật tăng ba tháng liên tiếp

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 209.067 tấn, tăng 20% so với tháng 7/2021. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, xuất khẩu thép xây dựng đi lên.

Trong đó, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng của tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 147.000 tấn, tăng 81% so với cùng kỳ 2021, chiếm gần 70% tổng lượng xuất khẩu thép xây dựng. Đây là yếu tố chính giúp thép Hòa Phát duy trì đà tăng sản lượng bán hàng so với năm trước.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thép xây dựng cả nước đạt 1,5 triệu tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.

VSA cho biết hiện các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các nhà máy tìm thêm thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ...

Tổng kết tháng 7, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 1 triệu tấn, tăng 14% so với tháng 6 và tăng 18% so với tháng 7/2021. Bán hàng thép xây dựng đạt hơn 1 triệu tấn, giảm nhẹ 1,5% so với tháng trước nhưng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, sản xuất và bán hàng thép xây dựng lần lượt đạt 7,7 triệu tấn và 7,5 triệu tấn, tăng 3,5% và 5% so với cùng kỳ năm 2021.

VSA nhận định giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến thị trường chững lại. Nhu cầu tiêu thụ thép giảm sút do mùa vụ và giải ngân đầu tư công chậm.

Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.

Hiện nay, các nhà máy áp dụng một tuần một giá mới và bảo lãnh giá bán trong tuần khiến thị trường bất ổn, các nhà máy càng khó khăn hơn trong tiêu thụ hàng hóa. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và giữ thị phần.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán