Dự án Thủy điện Cam Ly chậm tiến độ kéo dài vì vướng mắc trong chuyển đổi chủ đầu tư

(Banker.vn) Dự án Thủy điện Cam Ly tại tỉnh Lâm Đồng có nguy cơ chậm tiến độ kéo dài vì chủ đầu tư nhiều lần xin chuyển đổi sang chủ đầu tư mới vẫn chưa được chấp thuận.
Doanh nghiệp mong muốn tỉnh Lâm Đồng sớm xem xét cho chuyển nhượng dự án nhà máy thuỷ điện Doanh nghiệp ở Lâm Đồng gặp khó khi chuyển nhượng dự án Vì sao tỉnh Lâm Đồng không cho chuyển nhượng dự án thuỷ điện Cam Ly?

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Văn bản số 6275/UBND- MT giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hướng dẫn giải quyết việc Công ty TNHH Thuỷ điện Cam Ly (Công ty Cam Ly) đề nghị cho chuyển nhượng dự án Nhà máy Thuỷ điện Cam Ly tại TP. Đà Lạt.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cam Ly tiếp tục có Đơn cứu xét số 47/2024/TĐCL về việc đề nghị xin được chuyển nhượng dự án thủy điện Cam Ly. Đây không phải là lần đầu tiên UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất, hướng dẫn, giải quyết cho doanh nghiệp chuyển nhượng dự án theo thẩm quyền.

Dự án Thủy điện Cam Ly chậm tiến độ kéo dài vì vướng mắc trong chuyển đổi chủ đầu tư
Dòng chảy dự án Nhà máy thuỷ điện Cam Ly, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Lê Sơn)

Trước đó, Báo Công Thương đã phản ánh, tháng 11/2023, Công ty Cổ phẩn xây dựng số 1 Việt Hưng (Công ty Việt Hưng) đã thống nhất chuyển nhượng dự án thuỷ điện Cam Ly cho Công ty Cam Ly. Do đó, ngày 21/11/2023, Công ty Việt Hưng đã có Tờ trình số 02/TTr-VH gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị chuyển vai trò Chủ đầu tư sang cho Công ty Cam Ly.

Tại Văn bản số 2836/KHĐT-KTN ngày 7/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất UBND tỉnh “Chấp thuận chủ trương” cho Công ty Việt Hưng chuyển nhượng dự án, thay đổi chủ đầu tư sang cho Công ty Cam Ly theo quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư năm 2020.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng chưa kiểm tra các điều kiện chuyển nhượng dự án và doanh nghiệp chưa có văn bản đề nghị chuyển nhượng dự án. Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu sở này tổ chức kiểm tra, thẩm tra hồ sơ dự án rồi đề xuất lại UBND tỉnh quyết định.

Đến ngày 17/3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng có báo cáo số 149/KHĐT-KTN đề xuất UBND tỉnh “không chấp thuận” cho doanh nghiệp chuyển nhượng dự án vì không đáp ứng điều kiện chuyển nhượng dự án theo quy định. Một trong những lý do không đủ điều kiện chuyển nhượng dự án đó là: Nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng tài sản đã đầu tư; không đủ điều kiện chuyển nhượng theo điểm c, Khoản 1, Điều 46 Luật Đầu tư…

Không đồng tình, doanh nghiệp đã gửi đơn đề nghị tỉnh Lâm Đồng xem xét cho doanh nghiệp chuyển nhượng dự án. Đến ngày 23/5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 4112/UBND-TH3, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan làm việc với doanh nghiệp. Theo đó, các sở, ngành họp và thống nhất nội dung “Trường hợp dự án đang chuyển nhượng mà chưa có tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và chưa có đất thuê hoặc đất thuê trả tiền hàng năm thì việc chuyển nhượng dự án không áp dụng điểm c, Khoản 1, Điều 46 Luật Đầu tư”.

Đồng thời, tại buổi làm việc một số ý kiến cho rằng nên tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thêm nguồn lực sớm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, đóng góp tăng nguồn ngân sách cho tỉnh. Ngoài ra, tại biên bản làm việc giữa các bên có ghi nhận nội dung “Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng để đề xuất tham vấn ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này”.

Nội dung Đơn cứu xét của doanh nghiệp thể hiện, quá trình (hơn 7 tháng) thực hiện thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án Nhà máy Thuỷ điện Cam Ly gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm chậm tiến độ của dự án.

Lâm Đồng: Doanh nghiệp tiếp tục ‘kêu cứu’ xin chuyển nhượng dự án Nhà máy Thuỷ điện Cam Ly
Kè bảo vệ đê phòng chống lũ. (Ảnh: Lê Sơn)
Lâm Đồng: Doanh nghiệp tiếp tục ‘kêu cứu’ xin chuyển nhượng dự án Nhà máy Thuỷ điện Cam Ly
Dự án Nhà máy thuỷ điện Cam Ly có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc thủ tục pháp lý. (Ảnh: Lê Sơn)

Liên quan đến việc chuyển nhượng dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, năm 2023, UBND tỉnh Kon Tum nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư thuỷ điện BoKo 1 do Công ty TNHH Gia Nghi làm chủ đầu tư. Ngày 10/3/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 614/UBND-KTTH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tham vấn ý kiến chuyển nhượng dự án thuỷ điện BoKo 1 trên địa bàn tỉnh.

Lý do tham vấn là “dự án thuỷ điện BoKo 1 được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và Nhà đầu tư chưa thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, chưa triển khai thi công công trình…”. Việc xem xét chuyển nhượng dự án có đảm bảo theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 46 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 189 Luật Đất đai năm 2023 hay không?

Ngay sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến “Trường hợp nhà đầu tư đã được cơ quan Nhà nước là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan tại thời điểm ban hành, tuân thủ đúng quy định về thời gian thực hiện dự án, thì trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1, Điều 41, Luật Đầu tư…”.

Căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định chấp thuận điều chỉnh Nhà đầu tư. Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận điều chỉnh Nhà đầu tư thực hiện dự án thuỷ điện BoKo 1, từ Nhà đầu tư chuyển nhượng là Công ty TNHH Gia Nghi sang Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH BoKo Kon Tum.

Tại đơn cứu xét, đại diện Công ty Cam Ly nêu rõ: “Doanh nghiệp tha thiết, kêu gọi các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hãy vì lợi ích của tỉnh, của doanh nghiệp xem xét những khó khăn, trở ngại để hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp sớm thực hiện được thủ tục chuyển nhượng dự án (phù hợp với quy định) nhằm cứu dự án không bị phá sản do kéo dài thủ tục sẽ phát sinh rất nhiều chi phí vượt mức của dự án”.

Lê Sơn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục