Doanh nghiệp vượt khó tìm lại đà tăng trưởng

(Banker.vn) Tìm kiếm thị trường mới, mở rộng kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên các nền tảng kinh doanh online là cách mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn để vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp vượt khó, tái cấu trúc để thích nghi Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, phát triển bền vững

Thay đổi chiến lược

Phát triển các hình thức tiếp thị, bán hàng đa kênh đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khi sức tiêu thụ của người tiêu dùng chịu nhiều tác động bởi tình hình kinh tế, giá tiêu dùng… Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực tìm kiếm thị trường và tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh để duy trì và phát triển hoạt động, tạo ra những giá trị cạnh tranh mới.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee cho biết, doanh nghiệp đang tích cực đa dạng danh mục thị trường xuất khẩu. Thời gian qua doanh nghiệp liên tục tham gia hội chợ, triển lãm tìm hiểu đối tác, xúc tiến thị trường. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm cà phê nông sản vị bạc hà, xoài, khoai môn, dừa,... của công ty đã có trên các kệ hàng siêu thị ở hàng loạt nước châu Âu và tại Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Ấn Độ. Thời gian tới, doanh nghiệp hướng đến thị trường Trung Quốc, Singapore, Philippines.

Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cũng là cách mà doanh nghiệp này thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (Bình Phước) cho biết, doanh nghiệp vừa có 4 ngày tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại tại tỉnh du lịch Mondulkiri, Campuchia.

Theo ông Đạt, với nhiều người, địa danh trên nghe lạ nhưng trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm khá tiềm năng. Hàng nông sản nội địa Campuchia sản xuất, chế biến chuyên sâu chưa nhiều, chủ yếu là nhập khẩu. Đối tác nước bạn đánh giá rất cao chất lượng điều Bình Phước. Dự tính, Vinahe sẽ phát triển phân phối sản phẩm chủ lực là điều bể tẩm vị tỏi, ớt, bơ,... sang kênh siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại Mondulkiri.

Doanh nghiệp vượt khó tìm lại đà tăng trưởng
Doanh nghiệp điều phát triển thêm các sản phẩm mới để xuất khẩu. Ảnh minh họa

“Trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường truyền thống chững lại, việc tìm kiếm thị trường khác sẽ tăng cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Đạt nói.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk Nguyễn Đức Tùng cho biết, công ty chủ động đa dạng các kênh tiếp thị để phát triển, mở rộng thị trường. Bên cạnh kênh truyền thống, công ty còn đẩy mạnh các kênh tiếp thị trực tuyến từ website đến mạng xã hội để thu hút khách hàng nhiều hơn, qua đó phát triển các kênh tiêu thụ.

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường giảm cầu và khó đoán định như hiện nay, các doanh nghiệp cũng rất khó để xây dựng chiến lược dài hạn mà tập trung xoay sở để duy trì sản xuất trong ngắn hạn, thậm chí điều chỉnh kế hoạch theo từng tháng để phù hợp với thực tế.

Xu thế bán hàng đa kênh

Cùng với việc tìm kiếm thị trường mới, xu hướng mở rộng kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau là cách mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Lê Bạch Long - Giám đốc Công ty TNHH Nam Long chia sẻ, những năm trước đây, công ty đã chủ động đầu tư về công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trong thời gian qua, trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, công ty đã chủ động kết nối các kênh tiếp thị, quảng cáo, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh bán hàng, tăng độ nhận diện thương hiệu của công ty đến với người tiêu dùng, cân đối thị phần trong nước và xuất khẩu để duy trì sản xuất một cách phù hợp.

Trong khi đó, bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW thông tin, tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu xuất khẩu nông sản trên sàn thương mại điện tử của công ty đang tăng trưởng 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là nhờ vào hai thị trường trọng điểm Trung Quốc và Hàn Quốc. Tính riêng thị trường Trung Quốc, hiện doanh thu ước đạt xấp xỉ 2 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, bà Phi đặt mục tiêu xuất khẩu cuối năm sẽ đạt 3,5 triệu USD và thâm nhập thị trường EU trong thời gian tới...

Thực tế hiện nay, người mua hàng đã trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số” khi vừa duy trì các kênh mua hàng truyền thống, vừa gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), xu hướng shoppertainment - tức là kết hợp kênh bán hàng với giải trí đang là một xu hướng mới được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây và ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Đối với người tiêu dùng, thông thường khi truy cập bất cứ website hay kênh thương mại điện tử nào chỉ có thông tin, thiếu sự tương tác thì sẽ nhàm chán. Do đó, nếu kết hợp thêm các yếu tố giải trí như xem các thần tượng biểu diễn, xem live stream, đồng thời ngay lúc đó xuất hiện đường link mua sắm các sản phẩm họ đang mong muốn… sẽ giúp khách hàng mua sắm thoải mái, thuận tiện và đa dạng hơn.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương