Doanh nghiệp vào mùa sản xuất hàng Tết

(Banker.vn) Bước sang quý IV, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tăng tốc sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024.
Thu hẹp đà giảm, nhiều doanh nghiệp gỗ có đơn hàng đến hết quý I/2024 Đơn hàng phục hồi, nhiều doanh nghiệp tăng ca, tuyển lao động

Tăng tốc sản xuất

Chia sẻ tin vui khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu ngay trong thời điểm những tháng cuối năm, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc Sông Hương Foods cho biết, những loại bánh truyền thống Việt Nam như: Bánh nậm, bánh lọc, bánh giò, xôi khúc, bánh gai… vừa được đối tác đặt hàng để xuất khẩu đi Mỹ.

Để quảng bá sản phẩm, ngoài bán hàng trực tiếp, đơn vị này còn đầu tư mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, tận dụng các nền tảng xã hội tiếp cận thêm người tiêu dùng. Năm nay, thay vì sản xuất nhiều mặt hàng như trước đây, Sông Hương Food chỉ chọn ra 3-5 sản phẩm chủ lực để tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh như dưa món, cà pháo, củ kiệu… Về giá cả, doanh nghiệp này cố gắng tung các chương trình khuyến mãi nhiều nhất có thể nhằm tránh tồn kho.

Doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành mục tiêu kinh doanh
Sản xuất hàng Tết tại Công ty Sông Hương Foods

Theo ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 60% doanh số của công ty và thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. "Theo dự báo của phía đối tác bên Mỹ, Việt kiều về nước năm nay sẽ ít hơn năm trước. Do đó, những công ty xuất khẩu như tôi “như trúng số”. Đây là cơ hội để chúng tôi tăng tốc, chuẩn bị kế hoạch, nguồn nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm'- ông Tuấn nói.

Tương tự, thời gian này, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng tuyển thêm lao động, tăng sản lượng sản xuất thực phẩm chế biến để chuẩn bị cho dịp Tết. Đại diện Vissan cho biết, theo kế hoạch Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, doanh nghiệp sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty còn thực hiện dự trữ từ 10-20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường. Doanh nghiệp còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại từ 10-30% với nhiều sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ khách hàng mua sắm cuối năm.

Theo sát nhịp thay đổi của người tiêu dùng

Mặc dù người tiêu dùng trong nước có vẻ lạc quan hơn về tình hình tài chính kinh tế trong 12 tháng tới và cho dịp Tết 2024, thế nhưng dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu vẫn chưa thật sự rõ rệt.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Nga - Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải theo sát nhịp thay đổi của người mua vốn đang thắt chặt chi tiêu và thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm.

“Doanh nghiệp cân đối danh mục sản phẩm của công ty mình như thế nào để có thể vẫn có những sản phẩm thu hút người tiêu dùng tốt hơn, để cho người mua chi nhiều tiền hơn cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, có tính cá nhân hóa cao hơn. Ngoài ra, cần tiếp tục các hoạt động kích cầu và có những sản phẩm để duy trì được nhóm người tiêu dùng đang gặp khó khăn về tài chính, để từ đó tiếp tục giữ chân nhóm người tiêu dùng này trở thành khách hàng trung thành trong tương lai”, bà Nga nói.

Thực tế, đa số các doanh nghiệp đều dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm. Do đó, nhà sản xuất chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ và mang tính ứng dụng cao. Đơn cử như Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty này cho biết, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong dịp Tết, doanh nghiệp đã thay đổi bao bì trong các gói quà tặng Tết để vừa tiện dụng, vừa tái sử dụng, giá thành vừa phải mà vẫn phát triển bền vững. Theo tính toán, giá thành các gói quà tặng năm nay sẽ giảm hơn 40% so với 3 năm trước đây.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Thị trường có nhiều yếu tố bất định, nhiều sự thay đổi. Điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp cần phải nắm chắc những thông tin, dự báo và lựa chọn giải pháp của mình từ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của người tiêu dùng.

Để đối phó với những thay đổi, doanh nghiệp cần chú ý tới chất lượng hàng hóa, xây dựng hệ thống dịch vụ để người tiêu dùng thêm hài lòng. Doanh nghiệp phải có sự thích ứng với những thay đổi, đó là điều quan trọng nhất hiện nay.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương