Doanh nghiệp phải chủ động phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại

(Banker.vn) Số vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại liên tục tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm hiểu để chủ động phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hoa Kỳ gia hạn ban hành kết luận điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tủ gỗ Việt Nam Hoa Kỳ kết luận ống thép từ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

Ngày 25/8, tại TP. Đà Nẵng, Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương thành phố tổ chức hội thảo tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng vệ thương mại và các quy định về quy tắc xuất xứ.

Doanh nghiệp phải chủ động phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại
Hội thảo giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về phòng vệ thương mại để chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong xuất khẩu

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đến từ Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu đã thông tin đến các doanh nghiệp, đơn vị sở ngành, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng tổng quan về phòng vệ thương mại và thực tiễn sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước; Ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ do nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; Hướng dẫn doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và thủ tục kê khai tờ khai C/O đối với hàng xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, mở ra nhiều triển vọng cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu, sự cạnh tranh và va chạm về lợi ích giữa các ngành sản xuất trong nước và các mặt hàng nhập khẩu ngày càng phức tạp, các mặt hàng của Việt Nam cũng chịu sức ép nhiều hơn ở thị trường các nước sở tại.

Tại TP. Đà Nẵng, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tích cực cung cấp thông tin, trả lời câu hỏi hoặc là giải trình các nội dung liên quan theo yêu cầu của các cơ quan chức năng phục vụ cho việc điều tra chống phá giá, chống trợ cấp.

“Hội thảo kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về phòng vệ thương mại để chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong xuất khẩu”, ông Hạnh nói.

Doanh nghiệp phải chủ động phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại
Các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại để phòng tránh các vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, nhiều FTA được thi hành đi kèm các ưu đãi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp thì cũng tồn tại song song các biện pháp phòng vệ thương mại. “Nếu cắt giảm thuế quan, tăng cường các cơ hội tiếp cận thị trường là mang đến cho các doanh nghiệp các cơ hội thì các biện pháp phòng vệ thương mại ở một chừng mực nào đó là những nguy cơ, rủi ro, thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải trong quá trình tham gia sân chơi toàn cầu”, ông Trung nói và thông tin thêm, từ năm 1995 đến nay có hơn khoảng 7.000 các biện pháp phòng vệ thương mại được các quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng. Mỗi năm, Cục phòng vệ thương mại phải tham gia 13 – 15 thậm chí có thể lên đến 20 vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam (nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam). Tại Việt Nam, đã có 27 cuộc điều tra về phòng vệ thương mại. Trong đó, kể từ năm 2018 đến nay có tới 20 cuộc (Việt Nam điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu nước ngoài).

“Hội thảo sẽ thông tin đến doanh nghiệp những nội dung cơ bản về phòng vệ thương mại, tác động của phòng vệ thương mại đến doanh nghiệp xuất khẩu; những việc doanh nghiệp phải làm khi bị điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại, cơ quan đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình bị điều tra. Đặc biệt là những biện pháp để phòng, chống, nhận biết sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại”, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại cho hay.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục